Nguy cơ dịch bệnh sau lũ
Ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, mưa lũ ở miền Trung những ngày qua đã gây nhiều thiệt hại về người và của. Đến thời điểm này, nhiều tỉnh miền Trung bắt đầu khôi phục lại đời sống sinh hoạt, sản xuất sau khi nước lũ rút. Đây cũng chính là thời điểm người dân phải đối mặt với ô nhiễm môi trường do các loại rác thải, xác súc vật phân hủy, nguồn nước bị ô nhiễm… tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
“Vấn đề xử lý môi trường sau lũ đã được thực hiện hàng năm, khi xảy ra lũ thường thực hiện theo “4 tại chỗ”, tức là các bộ ngành liên quan sẽ có hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương nhưng chủ yếu vẫn là do các tỉnh huy động nguồn lực thực hiện”, ông Hoàng Dương Tùng cho hay.
Theo PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), bão lũ thường đi kèm với thiên tai, dịch bệnh.
“Môi trường bị ô nhiễm vì xác súc vật chết, cũng như các loại chất thải được cuốn theo dòng nước lũ. Nguồn nước, nguồn thực phẩm tại các khu vực bị lũ lụt cô lập cũng khó đảm bảo an toàn, cộng thêm điều kiện cung cấp nước uống gặp khó khăn, môi trường bị ô nhiễm vì xác súc vật chết, cây cối, các điều kiện vệ sinh môi trường sẽ không đảm bảo, người dân sẽ phải đối mặt với nguy cơ về dinh dưỡng và dịch bệnh gây bệnh”, PGS. TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Theo các chuyên gia dịch tễ, người dân ở những vùng bị ảnh hưởng rất dễ mắc các bệnh về đường tiêu hoá do mất an toàn thực phẩm, nguồn nước không đảm bảo, vệ sinh chưa tốt. Không chỉ vậy, người dân còn dễ mắc cúm, cảm lạnh, đau mắt, nước ăn chân cùng nhiều bệnh về da liễu khác.
Phun khử trùng, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt
Ngay sau khi xảy ra lũ ở các tỉnh miền Trung, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi đến các tỉnh hướng dẫn thực hiện bảo vệ môi trường sau lũ. Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, Bộ đã yêu cầu các Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với cơ quan liên quan, rà soát, đánh giá và dự báo các khu vực trên địa bàn có nguy cơ xảy ra sự cố do ảnh hưởng của thiên tai, lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó và khắc phục ô nhiễm môi trường theo các kịch bản trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra.
“Cùng với đó, các Sở Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ thực hiện hướng dẫn người dân, các tổ chức liên quan thực hiện các phương án thu gom, xử lý đảm bảo vệ sinh đối với rác động vật chết trên địa bàn, tập trung vào các khu vực có cơ sở chăn nuôi/giết mổ, chợ, khu dân cư tập trung... Hướng dẫn triển khai các biện pháp thu gom rác thải, bùn đất đảm bảo vệ sinh môi trường tại trường học, khu vực có nguy cơ ô nhiễm như bãi chôn lấp rác, kho hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật...”, ông Nguyễn Thượng Hiền cho biết.
Để chủ động phòng tránh dịch bệnh trong mùa mưa bão, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp dự phòng chủ động để đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão và khi xảy ra bão, lũ lụt. Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi; Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
Cùng với đó, tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng; Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày
Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
Bên cạnh những nguyên tắc trên, PGS. TS Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân vùng lũ vẫn cần lưu ý việc đeo khẩu trang, để phòng dịch COVID-19, nhằm tránh tình trạng “dịch chồng dịch”.
Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh ở các tỉnh miền Trung, Bộ Y tế đã phân công 3 Viện đầu ngành hỗ trợ là Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương hỗ trợ cho các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị; Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường hỗ trợ cho các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế; Viện Pasteur Nha Trang hỗ trợ cho thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.