Chưa quan tâm đúng mức
Vụ hỏa hoạn xảy ra tại Chung cư Hồ Gươm Plaza (số 110 đường Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội) vào rạng sáng 14/12 khiến hàng trăm người hoảng loạn, 2 người phải nhập viện; lại gióng lên hồi chuông báo động về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các khu nhà cao tầng. Theo chị Hoàng Thị Thanh, cư dân tòa Chung cư Hồ Gươm Plaza, điều đáng lo ngại là khi căn hộ số 1805 phát hỏa, hệ thống chuông báo động của tòa nhà này không hoạt động, thậm chí thang máy vẫn chạy bình thường. “Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư là Công ty cổ phần May Hồ Gươm phải kiểm tra hệ thống cứu hỏa, nhưng tình trạng không cải thiện”, chị Thanh cho biết.
Cứu hộ vụ cháy tại Linh Đàm. |
Còn theo phản ánh của các hộ dân sống tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội), từ khi nhận nhà gần 10 năm nay, họ không hề nhận được những thông báo hay tài liệu nào từ Ban Quản lý về hướng dẫn PCCC. Hầu hết các bình chữa cháy tại tòa nhà này đều quá hạn sử dụng. “Có đến 2/3 cư dân tòa nhà chung cư là dân ngoại tỉnh nhưng không có hướng dẫn cụ thể về PCCC”, một cư dân cho biết.
Đây là tình trạng của không ít chung cư tại Hà Nội. Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban pháp chế HĐND Hà Nội cho biết: “Mới đây, khi đi giám sát tại Khu đô thị cao tầng tại Nam Trung Yên (Cầu Giấy), Mễ Trì 2 (Nam Từ Liêm), Xa La (Hà Đông), chúng tôi nhận thấy công tác PCCC rất đáng báo động. Các tòa nhà ở đây trong tình trạng “3 không”: Không hệ thống báo cháy; không hệ thống chữa cháy tự động; không hệ thống chữa cháy vách tường. Cầu thang bộ chỉ giúp khi thang máy hỏng chứ không giúp được người dân thoát nạn khi xảy ra cháy. Nếu xảy ra cháy, ở đây là một thảm họa. Khi xuống kiểm tra, nửa tiếng đồng hồ không gọi được 1 người, chỉ có duy nhất người trông xe dưới tầng hầm, không tập hợp được lực lượng chữa cháy tại chỗ. Không tìm được chìa khóa mở hệ thống tầng hầm, khi mở ra thì toàn bộ các máy bơm mà theo nghiệm thu của Sở cảnh sát PCCC đã 3 năm nay không hoạt động. Kiểm tra áp lực nước vách tường không có nước”.
Cần chế tài mạnh
Đại tá Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết: Nguy cơ tiềm ẩn về cháy nổ tại các khu chung cư cao tầng rất cao. Đối với những nhà cao tầng, hệ thống báo cháy, chữa cháy, thoát nạn phải bảo đảm, chứ không phải chỉ dựa vào thang cứu hộ. Khi xảy ra cháy nổ, quan trọng nhất là sự bình tĩnh của người dân để tự cứu lấy chính mình. Tuy nhiên, việc đầu tư hệ thống PCCC tại chỗ đều bị các chủ đầu tư coi thường, xem nhẹ, thậm chí nhiều chung cư, hệ thống PCCC tại chỗ lắp đặt từ lúc xây dựng sau đó bị lãng quên và không được bảo dưỡng.
Không chỉ xử lý nghiêm đối với chủ đầu tư, mà cần xem xét lại vai trò, trách nhiệm của các cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát việc xây dựng các chung cư cao tầng. |
“Trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc trang bị các trang thiết bị phòng, chống cháy nổ, báo cháy, thoát hiểm… đã được quy định rõ trong luật, nhưng ở nhiều chung cư cao tầng, chủ đầu tư vẫn vẫn bán nhà khi chưa hoàn thành hệ thống PCCC. Do đó, để siết chặt quản lý, kiểm soát và hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro khi xảy ra cháy nổ tại chung cư cao tầng, cần có chế tài đủ mạnh để xử lý. Với tình trạng vi phạm này, không chỉ xử lý nghiêm đối với chủ đầu tư, mà cần xem xét lại vai trò, trách nhiệm của các cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát việc xây dựng các chung cư cao tầng. Nếu chủ đầu tư xây dựng dự án sai, đương nhiên phải phạt.Và cơ quan quản lý đã để xảy ra việc đó thì cũng sai phạm và cũng phải có chế tài”, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam cho biết.
Theo ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, thời gian qua, thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên đối với công tác PCCC và đã thực hiện nhiều đợt thanh, phúc, kiểm tra. Dù vậy, các vụ cháy vẫn xảy ra, vì các chủ đầu tư chưa thật sự quan tâm đến PCCC. Ở nhiều công trình, do tiết kiệm chi phí, các thiết bị PCCC được thi công cuối cùng.
UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Cảnh sát PCCC phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc, Công Thương, rà soát, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong PCCC tại các tòa nhà cao tầng. Sở Cảnh sát PCCC tăng cường công tác thanh kiểm tra, kịp thời phát hiện, kiến nghị khắc phục thiếu sót và xử lý nghiêm vi phạm quy định PCCC. Bên cạnh đó, cần công khai các đơn vị, chủ đầu tư dự án vi phạm công tác PCCC.
“Hà Nội có 745 công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu (trong đó có 169 nhà cao tầng); 285 công trình đã được thẩm duyệt nhưng chưa nghiệm thu PCCC (trong đó có 114 nhà cao tầng) nhưng đã đưa vào hoạt động. Đây là trách nhiệm của Sở Cảnh sát PCCC, vì theo luật phải có nghiệm thu công tác PCCC của Sở mới được đưa vào sử dụng. Do đó cần có chế tài xử lý nghiêm vi phạm”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, cho biết.