Những ngày này, khi tiết xuân đang khẽ chạm vào những con phố ở Hà Nội, ghé đất Tứ Liên, đâu đâu cũng thấy một màu quất cảnh.
Với người dân làng Tứ Liên, trồng quất không chỉ là nghề chơi lắm công phu mà còn là chỗ dựa kinh tế và là nguồn thu nhập chính nuôi sống nhiều gia đình.
Mê mải giới thiệu về nghề trồng quất, ông Phạm Văn Thỉnh, chủ vườn quất Tuyết Thỉnh cho biết, mỗi năm chỉ có một vụ quất cảnh, người trồng quất coi đây là nghề, nếu không dày công chăm sóc, nâng niu sẽ khó có được vụ mùa bội thu. Với 20 năm được truyền nghề và gắn bó với nghề quất cảnh, ông Thỉnh từng chứng kiến những thăng trầm của nghề chơi và thú chơi quất cảnh bonsai.
Ông Thỉnh chia sẻ, nhiều năm trước, khi kinh tế còn khó khăn, hoàn cảnh nhiều gia đình còn thiếu thốn, Tết đến, Xuân về trong nhà chỉ mong có cành đào, cây quất để trưng chơi đã là quý, nên ở miền Bắc 2 loại cây cảnh tượng trưng cho xuân sắc, tài lộc và sự sinh trưởng, thịnh vượng này rất được ưa chuộng.
Sau đó một thời gian, khi đời sống khấm khá hơn cùng với thời kỳ kinh tế mở cửa, hoa nhập khẩu, cây nhập khẩu trưng Tết tràn ngập thị trường, bỗng nhiên cây quất bị "thất thế". Nhiều người trồng quất có cảm giác bị "hắt hủi" nên không ít người trong số họ chuyển đổi sang các loại cây trồng hoặc việc làm khác. Nghề trồng quất bị mai một dần. Có những năm, cả làng, số vườn trồng quất chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Điều vui mừng là mấy năm trở lại đây, thị trường dường như đổi món và hào hứng với thú chơi quất cảnh. Nhanh nhạy nắm bắt tâm lý người tiêu dùng, ông Thỉnh cũng như nhiều người còn giữ nghề trồng quất cảnh ở làng Tứ Liên đã tìm hiểu, theo học và nghiên cứu trồng quất theo kiểu dáng bonsai, thay vì một số mẫu cơ bản như hình trụ, hình tháp, hình nón như trước kia. Đưa cây quất vào trồng trong lọ gốm, bình phong thủy thay vì chậu đất và bồn sứ.
Cây quất bỗng trở nên sinh động, cuốn hút lạ thường với nhiều kiểu dáng từ cổ thụ đến thác đổ, từ bạt phong đến song thụ, tam thụ hay thẳng đứng... Đem trưng trong nhà, cây quất cảnh bonsai giờ không chỉ là vật phẩm trang trí mà còn có ý nghĩa, thông điệp mà gia chủ muốn truyền tải, nhắn gửi lời chúc Tết viên mãn, thành đạt và phước lộc tới người thân, bạn bè và xóm giềng.
Vụ quất Tết 2019, ông Thỉnh dự tính đem ra thị trường 800 gốc quất. Giá thành từ vài trăm nghìn đồng một gốc cho đến hàng triệu đồng tùy kiểu dáng và sắc vóc của cây. Nhẩm tính chi phí đầu tư; trong đó, lớn nhất là tiền thuê đất, thuê nhân công chăm sóc, tiền mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các trang thiết bị bảo vệ cây trồng, ông Thỉnh cho biết lãi ròng ở vụ này thu về khoảng nửa tỷ đồng.
So với vụ quất Tết năm 2018, năm nay giá bán quất giảm khoảng 20% là do thời tiết lạnh và thiếu nắng khiến quất ra trái chín muộn. Tuy nhiên, điều đáng mừng là đến thời điểm này, cũng như nhiều nhà vườn khác, vườn quất Tuyết Thỉnh đã xuất bán được hơn 70% tổng sản phẩm.
Hầu hết các gốc trưng tại vườn đều đã có khách đăng ký đặt hàng. Nỗi lo thị trường, đầu ra của người trồng quất Tứ Liên dường như không hiện diện.
Không chỉ vui vì vụ quất trúng mùa, ông Thỉnh chia sẻ thêm, do liên kết được một công ty nông nghiệp chuyên cung ứng giống cây trồng và hợp tác với một nhà đầu tư nên năm nay người trồng quất như ông chỉ tập trung cho sản xuất, chăm lo kỹ thuật và các điều kiện tốt nhất để cho ra sản phẩm chất lượng cao nhất. Đồng thời, duy trì độ bền cho cây quất được sai trái, to quả, thắm lá, đẹp hoa.
"Phần giống cây, thị trường tiêu thụ đã có doanh nghiệp và nhà đầu tư đảm nhiệm nên có thể đây là vụ quất "nhàn" nhất từ trước tới nay. Thực tế, có thể lợi nhuận bị san xẻ, nhưng người trồng quất được bù đắp lại bằng sản lượng, chất lượng cây và nhờ đó uy tín cũng được nâng lên.", ông Thỉnh khẳng định.
Ông Phan Văn Hiệp, đối tác của vườn quất Tuyết Thỉnh cho biết, tiềm năng của thị trường quất cảnh bonsai rất lớn. Nhiều năm trước, dân trồng quất tuy ở Tứ Liên, nhưng thường phải mua giống tại Văn Giang hay nhiều địa phương khác về trồng. Trong khi thổ nhưỡng, khí hậu tại Tứ Liên là nơi phù hợp và thuận lợi để phát triển quất giống mà không nơi đâu có thể so sánh.
Xuất phát từ thực tế ấy, ông Hiệp đã kêu gọi đầu tư và tìm chính các chủ vườn hiện có tại làng Tứ Liên để hợp tác trồng thử nghiệm và đem phát triển cây quất giống. Quất Tứ Liên khỏe cành, sai quả, bền màu lá, thắm nhành hoa và hương thơm dễ chịu.
Quất Tứ Liên đem trưng Tết có thể chơi lâu được 3-4 tháng mà không tàn. Dáng quất Tứ Liên được các nghệ nhân tạo cầu kỳ, sáng tạo và lạ mắt không thể lẫn với bất kỳ hàng ở nơi khác.
Ông Hiệp cũng cho biết, vườn quất Tuyết Thỉnh chỉ là một trong số 7 nhà vườn mà ông hợp tác phát triển thị trường và chào bán sản phẩm tới người tiêu dùng. Năm nay, rất nhiều khách phương Nam đặt hàng một hoặc một vài chậu quất bonsai từ nhiều tháng trước nên không lo ế.
So với đào Nhật Tân, Quảng Bá (Tây Hồ) hiện nay gần như không còn đất phát triển, thì quất Tứ Liên ngày càng được chính quyền địa phương coi trọng. Cụ thể là việc quy hoạch cả vùng thành một rừng quất ngay giữa lòng Thủ đô. Hay như chủ trương khuyến khích nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng hợp tác với nông dân, người trồng quất để gây dựng lại một làng nghề văn hóa danh tiếng xưa nay.
Bên cạnh những chậu quất bonsai có kiểu dáng lạ mắt và lấp ló trái đỏ, ông Thỉnh cho biết thêm, các con và cháu trong gia đình đã có nhiều người bắt đầu theo học nghề và hứng thú với nghề trồng quất. Khi thực sự cây quất và nghề trồng quất nuôi sống được bản thân và gia đình thì niềm đam mê vốn từ trong máu huyết con người Tứ Liên sẽ tự khắc tràn về. Bởi đâu đó trong họ, không chỉ là văn hóa mà còn là niềm tự hào quê hương.