Từ đồn biên phòng Thanh Thủy đến Phó Bảng, Đồng Văn hay Đồn Biên phòng Lũng Cú…, ở đâu chúng tôi cũng cảm nhận được sắc xuân cũng như sự háo hức đón xuân trên gương mặt mỗi cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm làm nhiệm vụ canh giữ biên cương – nơi được coi là “phên dậu” phía bắc của đất nước hình chữ S.
Một sĩ quan trẻ ở đồn biên phòng Phó Bảng chia sẻ: “Tết này, em ở lại trực nhiệm vụ tại đơn vị. Là người địa phương, em tình nguyện ở lại trực để anh em ở xa về vui Tết với gia đình. Nhà cách nơi đóng quân hơn trăm km nhưng đôi lúc trong năm cũng có lần về thăm vợ, con nên dành ngày vui sum họp cho các đồng chí ở xa chưa một lần về với bố mẹ, vợ con”. Phó đồn trưởng Mai Anh Tuấn vui vẻ nói: “Ở đây, nhiều cán bộ đã có đến bốn, năm mùa xuân ca bài ca ‘Mẹ ơi con xuân này không về’. Nhiệm vụ mà các anh!”.
Một trong mấy người phụ nữ xinh đẹp đang giúp anh em lính làm cơm, bóc bánh chưng thỉnh thoảng lại nhìn chúng tôi cười. Chắc cô ngạc nhiên về chúng tôi - những người đến từ đâu mà hỏi nhiều câu quá bình thuờng như vậy. Chủ động hỏi chuyện cô gái, tôi mới hay cô gái có cái tên thật hay: Sải Thu Giang. Cô là người dân tộc Mông, giáo viên một trường phổ thông dân tộc nội trú ở Hà Giang, vợ một sĩ quan biên phòng. Cô giáo người Mông kể rằng, khi nhận công tác về dạy chữ cho các em ở vùng cao có cái đồn mà chồng cô đóng quân, cô rất vui với nghề đi gieo con chữ. Giang kể: “Khổ lắm, thiếu nhiều thứ cho sinh hoạt và dạy chữ của một cô giáo lắm, nhất là thiếu nước”.
Được cán bộ địa phương, bà con dân bản giúp nhiều, nhất là các anh bộ đội biên phòng. Bây giờ, Giang là vợ bộ đội biên phòng rồi. Nhiều bạn của Giang là cô giáo vùng cao cũng tìm được tình yêu với người lính mang quân hàm xanh. Tủm tỉm cười, cô giáo Giang chia sẻ, cả năm, chồng cô và những người bạn giống vợ chồng cô đã có nhiều lần được gặp nhau. Tết đến, mình tình nguyện dành niềm vui gặp gia đình cho đồng chí chưa có một lần trong năm gần vợ con, cha mẹ.
Ăn chung bữa cơm với những chiến sĩ biên phòng, chắc chắn đây là kỷ niệm không quên với chúng tôi. Trong bếp ăn tập thể, chủ và khách ngồi xen cùng nhau, mời nhau những món ăn mà chỉ ở rừng, nhất là chỉ ở vùng cao núi đá mới có. Bữa cơm cũng có đủ bánh chưng, mà bánh chưng người lính tự gói, tự nấu, có thịt đông, dưa hành, có rau cải cay (đặc sản của vùng cao nguyên đá) làm dưa, có mèm mén, thịt lợn đen tự chăn nuôi và giò thủ, giò nạc…đủ thứ thức ăn được ưa thích trong ngày Tết. Uống cạn chén ly rượu ngô rồi tay trong tay nắm chặt. Những câu chuyện đời, chuyện nhà trong ngày Tết râm ran như chẳng có hồi kết....
Đêm nay, đêm cuối năm và còn bao đêm, ngày khác nữa những người lính biên phòng lại ra đi trong mưa thâm gió rét. Bài thơ “Chú đi tuần” mà ngày xa xưa được học chợt ùa về trong tôi: Gió hun hút lạnh lùng. Trong đêm khuya phố vắng. Súng trong tay im lặng. Chú đi tuần đêm nay. Nép mình dưới bóng hàng cây. Gió đông lạnh buốt đôi tay chú rồi…Hiện hữu trước chúng tôi lúc này lại là người lính biên phòng tuần tra biên giới trong những đêm giá lạnh đến tê người giữa một vùng cao nguyên trùng trùng đá thật thân thương và đáng ngưỡng mộ.
Tỉnh Hà Giang có đường biên giới dài 277 km, tiếp giáp với 3 huyện của tỉnh Vân Nam và một phần của huyện Na Pô, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); có 442 cột mốc. Khu vực biên giới có diện tích tự nhiên trên 1.165 km2; gồm 32 xã và 2 thị trấn với 345 xóm thuộc 7 huyện biên giới. Có 19 dân tộc cùng chung sống đan xen, trong đó, dân tộc Mông chiếm trên 60%. Bà con các dân tộc Hà Giang vẫn còn sinh sống làm ăn trong điều kiện của một tỉnh nghèo nhất cả nước. Cộng đồng các dân tộc ở Hà Giang trong những năm qua luôn gắn bó cùng bộ đội biên phòng trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Tuy nhiên, tình hình chung không phải khi nào cũng thuận; các thế lực thù địch và các loại đối tượng khác luôn lợi dụng trình độ dân trí thấp, đời sống còn khó khăn của bà con dân tộc thiểu số để tiến hành các hoạt động gây rối, làm mất trật tự an ninh, kích động di dân tự do, tuyên truyền truyền đạo trái pháp luật… Nhiệm vụ của người lính mang quân hàm xanh trên vùng biên cương địa đầu Tổ quốc càng thêm vất vả khó khăn.
Được biết, những năm qua, bộ đội biên phòng Hà Giang đã trực tiếp tham gia cùng các lực lượng tổ chức đấu tranh có hiệu quả với gần 800 vụ vi phạm chủ quyền, giữ vững chủ quyền lãnh thổ và góp phần quan trọng vào kết quả công tác phân giới cắm mốc. Bộ đội biên phòng cũng đã lập gần 40 chuyên án hình sự, 9 chuyên án về ma tuý; triệt phá nhiều đường dây, tổ chức tội phạm nguy hiểm ở khu vực biên giới; phát hiện và làm rõ trên 2.500 vụ việc về trật tự xã hội; phối hợp cùng các lực lượng chức năng của Trung Quốc giải cứu và tiếp nhận trên 560 phụ nữ, trẻ em bị bắt cóc…
Mười năm qua, bộ đội biên phòng Hà Giang đã và đang trực tiếp thực hiện 17 dự án phát triển kinh tế xã hội ở 18 xã biên giới với tổng vốn đầu tư trên 150 tỉ đồng; hoàn thành 158 ngôi nhà Đại đoàn kết và 13 ngôi nhà dân sinh; đang triển khai 10 nhà Đại đoàn kết và 1 công trình dân sinh theo chương trình “Mái ấm cho người nghèo biên giới”. Hơn 6.700 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai; giúp di dời 146 hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét…Hơn 30 cán bộ bộ đội biên phòng được tăng cường cho các xã, thị trấn biên giới để giữ các chức danh bí thư, phó bí thư Đảng ủy xã, thị trấn… Rất nhiều những công việc, những việc làm bình thường những đầy tình, đầy nghĩa của người chiến sĩ biên phòng với bà con các dân tộc vùng biên cương phía Bắc đã góp phần thắt chặt thêm tình quân dân cá nước, làm nên “trận địa lòng dân” giúp người lính biên phòng vững vàng nơi biên cương đất nước, làm tròn sứ mệnh “Đồn là nhà, biên giới là quê hương”.
Được gặp và được sống cùng các anh trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc ở một số đồn biên phòng, chúng tôi thêm tin, yêu và ngưỡng mộ về người lính cụ Hồ, về người lính biên phòng.
Công Hải