Thiệt hại về nhà ở là 22.365 nhà, trong đó 102 nhà bị sập đổ hoàn toàn; gần 900 nhà bị sạt lở, taluy và hư hỏng nặng; 21.044 nhà bị ngập nước... Các địa phương đã di dời người và tài sản để đảm bảo an toàn cho hơn 11.400 hộ. Ngoài ra, mưa lũ làm 4.770 ha cây trồng bị thiệt hại, ảnh hưởng; tổng số gia súc, gia cầm bị chết hơn 1,1 vạn con; diện tích nuôi cá truyền thống bị lũ tràn qua và vỡ bờ gần 200 ha hồ ao. Toàn tỉnh Yên Bái có hàng nghìn điểm sạt lở với lượng đất, đá ước tính khoảng 60 nghìn m3; trên 30 trường học, công sở bị ngập úng ở thành phố Yên Bái; sập, gãy, bồi lấp 25 công trình thủy lợi; kè bờ suối Thia sạt lở 40m và vẫn tiếp tục nguy cơ cao sạt lở đê, kè tại địa phận thôn Nậm To, xã Thạch Lương, thị xã Nghĩa Lộ.
Nước dâng cao đã tràn, vỡ các tuyến đê trên địa bàn huyện Trấn Yên gồm: vỡ đê tại Cát Vân, đê ông Lộc, đê ông Thành thị trấn Cổ Phúc; đê Liên Hiệp Minh Quân; đê Hồng Thái xã Nga Quán; đê Phú Thọ xã Việt Thành; tràn đê tại Cầu Đất, thị trấn Cổ Phúc và Lan Đình, xã Việt Thành.
Ngoài ra, toàn tỉnh có 46 cột điện cao, trung và hạ áp bị đổ gẫy, đứt hơn 1.500 m dây điện; có 2 trạm thu phát sóng di động BTS của Mobifone bị mất sóng do sét đánh; 128 trạm BTS bị ảnh hưởng mất liên lạc; 5 tuyến cáp quang nội tỉnh bị gián đoạn. Ước tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra đến thời điểm này khoảng 200 tỷ đồng.
Hiện tại, mực nước lũ trên sông Thao tại Yên Bái đã xuống nhẹ, mực nước lúc 6 giờ ngày 11/9 là 34,63 m, trên báo động 3 là 3,63m, giảm gần 2m so với cùng thời điểm ngày 10/9. Đáng chú ý, lưu lượng nước về hồ thủy điện Thác Bà giảm xuống mức 3.180m3/giây (giảm hơn 1.000m3/giây so với chiều 10/9). Trong 6-12 giờ tới, lũ trên sông Thao tiếp tục dao động ở mức trên lũ lịch sử, mực nước trên sông Chảy dao động ở mức cao, phụ thuộc vào điều tiết xả lũ của các thủy điện phía thượng lưu.
Hiện, tại Yên Bái, các lực lượng cứu hộ phối hợp cùng với nhân dân cơ sở vẫn tiếp tục ứng phó, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho những người bị mắc kẹt; triển khai các giải pháp di dời người và tài sản, khắc phục tình trạng thiếu các nhu yếu phẩm, nhất là sớm khắc phục điện sinh hoạt, thông tin liên lạc, xăng dầu... Để chuẩn bị khi nước rút, tỉnh Yên Bái đã có phương án thành lập lực lượng liên ngành, vật tư thiết bị sẵn sàng hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại sau lũ theo kế hoạch đã định.