Đáng chú ý, có nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội với số tiền lớn và kéo dài nhiều năm. Đứng đầu trong danh sách này là Công ty cổ phần Xi măng và khoáng sản Yên Bái nợ 13 tháng với số tiền trên 5,3 tỷ đồng; Công ty cổ phần Mông Sơn nợ 34 tháng với số tiền gần 4,7 tỷ đồng; Lâm trường Lục Yên nợ 98 tháng với số tiền 3,5 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Vật tư tổng hợp Cửu Long Vinashin nợ 101 tháng với số tiền trên 2,2 tỷ đồng, Công ty cổ phần Xây lắp thủy lợi, thủy điện Yên Bái nợ 66 tháng với số tiền khoảng 2,2 tỷ đồng…
Theo ông Đào Phùng Nghĩa, quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội, mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Vì vậy, việc các đơn vị sử dụng lao động nợ bảo hiểm xã hội đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động nhất là khi họ đang trong thời kỳ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động không được thanh toán chế độ; một số người lao động đến tuổi nghỉ hưu không được hưởng trợ cấp hưu trí. Nhiều doanh nghiệp do nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài với số tiền hàng tỷ đồng nên dẫn đến tình trạng nhiều công nhân của công ty không được chốt sổ bảo hiểm xã hội, không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng nợ đọng bảo hiểm kéo dài là do tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái gặp nhiều khó khăn, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội tăng lên theo mức lương tối thiểu vùng nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh không tăng kịp, người lao động thiếu việc làm, thu nhập thấp…
Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái đã tăng cường các biện pháp thu hồi nợ. Cụ thể, công khai các đơn vị nợ đọng kéo dài, số tiền nợ lớn trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường phối hợp liên ngành để thanh tra, kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động nhằm hạn chế tình trạng các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội thời gian kéo dài, có dấu hiệu vi phạm pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng đã ký hợp tác thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp để thu hồi nợ đọng từ các đơn vị sử dụng lao động; rà soát đơn vị nợ trên 6 tháng, chuyển hồ sơ tài liệu sang Liên đoàn Lao động tỉnh để tiến hành khởi kiện theo quy định của Luật.
Từ đầu năm đến hết tháng 11/2019, Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái đã tổ chức thanh tra đột xuất tại 21 đơn vị sử dụng lao động (5 đơn vị có văn bản xin tạm hoãn thanh tra), với số tiền nợ hơn 5,3 tỷ đồng; sau thanh tra, đã có 19 đơn vị nộp tiền, với số tiền nộp gần 4,8 tỷ đồng.
Một trong những công cụ pháp lý được các cơ quan Bảo hiểm xã hội áp dụng hiệu quả đối với các doanh nghiệp chây ỳ, trốn nợ là khởi kiện ra tòa. Tính từ năm 2011 đến 31/10/2016, Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái đã khởi kiện 17 đơn vị sử dụng lao động, thu hồi số tiền trên 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, ngành Bảo hiểm xã hội không có quyền khởi kiện các doanh nghiệp vi phạm, mọi trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người lao động bằng cách khởi kiện sẽ do tổ chức công đoàn.
Ông Nguyễn Trí Đại - Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Yên Bái cho biết, thời gian tới, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ tăng cường các biện pháp để thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh về thực hiện hợp đồng hợp tác thu nợ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các đơn vị nợ bảo hiểm; đồng thời sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an đối với những đơn vị đã thanh tra kiểm tra vẫn cố tình nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái, kết quả thực hiện chỉ tiêu kế hoạch thu lũy kế đến ngày 31/11/2019, toàn tỉnh thu được gần 1.411 tỷ đồng, tăng hơn 109 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số người tham gia bảo hiểm y tế là 795.690 người, tăng 11.899 người so với năm 2018; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 96,7% dân số.