Vaccine này hoạt động bằng cách sử dụng một chuỗi ADN để huấn luyện hệ miễn dịch nhận diện và tiêu diệt các protein “cờ đỏ”, hay các kháng nguyên đột biến, trong các tế bào ung thư phổi.
Hiện nhóm nghiên cứu đã được các tổ chức từ thiện gồm Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh (Cancer Research UK) và Quỹ Ung thư CRIS (CRIS Cancer Foundation) tài trợ 1,7 triệu bảng (2,14 triệu USD) để sản xuất 3.000 liều vaccine.
Nếu LungVax thử nghiệm kích hoạt được phản ứng miễn dịch trong môi trường phòng thí nghiệm, vaccine này sẽ được chuyển sang thử nghiệm lâm sàng và sau đó sẽ được thử nghiệm trên những người có nguy cơ cao.
Giáo sư Mariam Jamal-Hanjani của UCL và Viện Francis Crick, người sẽ dẫn đầu giai đoạn thử nghiệm lâm sàng LungVax, cho biết hiện chỉ có chưa đến 10% số người mắc ung thư phổi có thể sống sau 10 năm mắc bệnh. Nghiên cứu này bổ sung cho những nỗ lực hiện có thông qua kiểm tra phổi để phát hiện ung thư sớm hơn ở những người có nguy cơ cao nhất. LungVax cũng có thể đưa ra một lộ trình khả thi để ngăn ngừa một số bệnh ung thư được phát hiện ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, Giáo sư Jamal-Hanjani nhấn mạnh giải pháp tối ưu để giảm nguy cơ mắc ung thư phổi là ngừng hút thuốc.
Theo bà Michelle Mitchell, Giám đốc điều hành của Cancer Research UK, LungVax là một bước tiến thực sự quan trọng, hướng tới một tương lai có thể phòng ngừa được bệnh ung thư nhiều hơn.
Theo dữ liệu từ Cancer Research UK, mỗi năm ở Anh có khoảng 48.500 trường hợp mắc ung thư phổi, 72% trong số đó là do hút thuốc lá.