Không thể chỉ có học và ngủ
Cuối năm học cũng là thời điểm học sinh chuẩn bị bước vào các kỳ thi, nhất là với những em thi chuyển cấp, thi đại học, nỗi lo học và thi càng gia tăng. Chính vì vậy, ngày càng có nhiều trường hợp trẻ bị rối loạn tâm lý do áp lực học tập.
Đi khám sức khỏe tâm lý tại Bệnh viện Nhi Trung ương, một học sinh nam tâm sự với bác sĩ về một việc rất nhỏ nhưng đã suýt nữa gây ra hậu quả lớn. Học sinh nam này bị áp lực học tập nhiều, nên đã vào mạng xã hội để giải trí cho bớt căng thẳng, nhưng vì sợ bố mẹ mắng chểnh mảng học tập nên vào phòng đóng kín cửa để xem. Tuy nhiên khi bố mẹ nhìn thấy lại mắng con; sau một hồi to tiếng, người bố cho rằng con mình hư, lười học, nên đã tát vào mặt con.
“Lúc đó em đã cảm thấy một sự tổn thương khủng khiếp, chán nản, em đã từng nghĩ đến tự tử”, nam học sinh tâm sự.
Cũng có những trường hợp, trẻ phải đi khám do cảm thấy bồn chồn không yên, khó ngủ, lo lắng, hay khóc… khi kỳ thi đến gần, khiến phụ huynh vô cùng lo lắng. Một số trẻ được xác định bệnh lý rối loạn tâm thần có liên quan đến stress do áp lực học tập căng thẳng.
TS.BS Đỗ Minh Loan, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Thời gian gần đây, vấn đề áp lực học tập, thi cử với các em học sinh đã được đưa ra bàn luận nhiều, đây cũng là một tác nhân khá phổ biến gây ra các bất ổn về tâm lý cho trẻ vị thành niên, các trẻ đang trong quá trình học tập. Để hỗ trợ, chăm sóc tốt sức khỏe về tâm thần cho trẻ giai đoạn này, gia đình cần cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi thư giãn cho các em”.
Cụ thể, theo TS.BS Đỗ Minh Loan, trong giai đoạn trẻ học hành, thi cử, cha mẹ, thậm chí chính các em, không thể nào áp đặt việc chỉ có thời gian học và thời gian ngủ; bởi kể cả có bắt trẻ ngồi học trong nhiều giờ nhưng có thể kết quả học tập vẫn thấp. Bản thân các em học sinh hay nhiều gia đình cứ nghĩ cứ ngồi học nhiều là tốt nhưng điều đó là không nên, ngoài thời gian học tập, ngủ vẫn phải có đan xen các hoạt động thư giãn cho các em.
Theo đó, có bạn có thể chịu được việc ngồi học 5- 6 tiếng liên tục nhưng có bạn lại không thể ngồi học trong thời gian dài. Sức chịu đựng với mỗi người là khác nhau, vì vậy, cần có kế hoạch khác nhau và cần sự ủng hộ của cha mẹ. Thậm chí, cha mẹ cũng nên cùng con thư giãn giữa giờ học, cùng làm việc gì đó như đi tập thể dục, đi mua sắm cùng con… Bởi khi các em lấy lại được năng lượng thì hiệu quả học thậm chí còn cao hơn việc biết ngồi im ở trong nhà học và học.
Đặc biệt, việc thư giãn ngoài giờ học như thế nào cũng tùy thuộc vào sở thích của từng em. Các hoạt động nên được khuyến khích như: Đi dạo, đi ra ngoài tham gia các hoạt động thể dục thể thao… mỗi em có thể chọn cho mình một kế hoạch phù hợp.
Cha mẹ không nên đặt mục tiêu quá sức của trẻ
Theo TS.BS Đỗ Minh Loan, với cha mẹ, cần tránh việc thể hiện sự quá kỳ vọng vào con; bởi điều này có thể tạo áp lực cho con, nếu các con không đạt được như sự kỳ vọng đó có thể ảnh hưởng đến tâm lý, thậm chí đã có nhiều trường hợp xảy ra hậu quả đau lòng.
“Cha mẹ nên biết “con mình ở đâu”, năng lực của con như thế nào để đặt mục tiêu hợp lý với trẻ. Thực tế, có nhiều cha mẹ, dù năng lực của con chưa đạt nhưng vẫn đặt mục tiêu trường chuyên, lớp chọn, bắt con phải học giỏi là áp lực quá mức với trẻ. Đây là điều không nên, bởi kể cả các em có vào được trường như nguyện vọng của cha mẹ do kết quả thi tại thời điểm đó tốt, nhưng quá trình học trong suốt những năm sau sẽ rất áp lực với các em. Tình trạng “ngồi nhầm lớp” ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của các em. Thậm chí, chúng tôi đã từng gặp những trường hợp, sau khi tư vấn, các em bắt buộc phải chuyển sang trường khác, nếu không sẽ bị rối loạn tâm trí quá mức; thậm chí các bạn từ chối đi học, không thể học được”, TS.BS Đỗ Minh Loan cho biết.
Về chuyên môn, các bác sĩ cũng có những công cụ sơ bộ để để đánh giá năng lực của trẻ ở mức nào; khi làm đánh giá về chỉ số trí tuệ, chỉ số IQ cũng có thể sơ bộ dựa trên đó đánh giá năng lực của trẻ để cha mẹ biết con, có các biện pháp, lựa chọn phù hợp.
Về chăm sóc sức khỏe tâm thần của các em trong mùa thi nhiều áp lực, theo TS. BS Đỗ Minh Loan, bên cạnh việc giảm bớt thời gian học, các em rất cần tham gia hoạt động thể dục thể thao; vì nó sẽ giúp cho trẻ có thể lực tốt hơn. Khi thể lực của các em tốt, sức khỏe tâm thần cũng tốt hơn. Đặc biệt, khi trẻ tập thể dục, thể thao, cơ thể sẽ tiết ra các loại hoóc môn tạo hưng phấn, làm cho đầu óc tỉnh táo hơn, học tập sẽ hiệu quả hơn.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, các cha mẹ không nê cho trẻ lạm dụng các chất kích thích để học tập như: Uống cà phê uống để tỉnh táo học bài; nhất là việc sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng kích thích tăng trí nhớ, bổ não… trong giai đoạn thi cử; hiện chưa có nghiên cứu cụ thể nào về vấn đề này, vì vậy chúng ta không nên lạm dụng. Quan trọng là các em cần cân bằng giữa học tập với thư giãn, việc học tập phải có kế hoạch từ trước. Đơn cử như, trước khi thi một môn nào đó, các em nên có kế hoạch học tập từ 2- 3 tuần trước đó, không để “nước đến chân” mới cắm cúi học ngày học đêm sẽ không có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý.
“Đặc biệt, để đồng hành cùng con, các bậc cha mẹ cũng cần quan tâm và hiểu những thay đổi, diễn biến tâm lý của các em ở mỗi lứa tuổi; cần nhận diện sớm những bất ổn tâm lý để điều chỉnh kịp thời… Nhất là trẻ ở giai đoạn vị thành niên, là giai đoạn khá đặc thù, có nhiều mốc quan trọng, cha mẹ nên dành thời gian cho con, hiểu những thay đổi của con trong giai đoạn này để có cách chăm sóc, hỗ trợ con phù hợp với lứa tuổi chứ không phải phù hợp với bố mẹ. Nếu làm tốt thì các rối loạn tâm lý ở trẻ, nhất là lứa tuổi vị thành niên sẽ giảm đi rất nhiều”, TS.BS Đỗ Minh Loan khuyến cáo.