Australia hướng tới loại bỏ bệnh ung thư cổ tử cung

Ngày 17/11, Chính phủ Australia thông báo sẽ đầu tư 5,8 triệu AUD (4,06 triệu USD) cho chương trình phát hiện sớm và điều trị bệnh ung thư cổ tử cung, theo cam kết với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2020, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới loại bỏ hoàn toàn căn bệnh này.

Chú thích ảnh
Australia hướng tới loại bỏ bệnh ung thư cổ tử cung. Ảnh minh họa: scimex.org

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, phát biểu tại lễ công bố Chiến lược quốc gia loại bỏ ung thư cổ tử cung, Bộ trưởng Y tế Grey Hunt cho biết khoản kinh phí trên sẽ được cấp cho Trung tâm Phòng chống ung thư cổ tử cung của Australia điều phối và triển khai từ cuối năm 2022. Với chiến lược này, Australia tự tin sẽ có thể loại bỏ hoàn toàn căn bệnh phổ biến ở nữ giới này vào năm 2035, sớm nhất trên toàn cầu.

Giám đốc điều hành Trung tâm Phòng chống ung thư cổ tử cung, Giáo sư Marion Saville cho biết một phần của chiến lược sẽ tập trung vào cách thức xóa bỏ các rào cản văn hóa và xã hội đối với việc tiếp cận các chương trình phòng chống ung thư cổ tử cung, thông qua phương pháp tầm soát ít xâm lấn hơn.

Cụ thể, kể từ ngày 1/7/2022, bất cứ ai có nhu cầu tầm soát ung thư cổ tử cung sẽ được phát một bộ dụng cụ tự lấy mẫu. Việc sử dụng bộ dụng cụ tự lấy mẫu tạm thời chỉ dành cho các đối tượng nữ giới từ 30 tuổi trở lên, và thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc y tá. Theo truyền thống, những xét nghiệm như vậy do chuyên gia thực hiện, điều này gây tâm lý e ngại, không muốn đi tầm soát phát hiện ung thư sớm.

Bên cạnh đó, khoản kinh phí cũng sẽ được sử dụng cho một chương trình thử nghiệm lâm sàng lớn nhất của Australia, được gọi là Compass, nhằm kiểm tra sự tương tác giữa vaccine Human Papilloma (HPV), loại virus gây ra hầu hết các bệnh ung thư cổ tử cung, và hoạt động tầm soát HPV. Thử nghiệm có sự tham gia của hơn 76.000 tình nguyện viên. Thông tin từ cuộc thử nghiệm sau đó sẽ được sử dụng để cải thiện Chương trình quốc gia tầm soát cổ tử cung.

Số liệu từ Viện Y tế và Phúc lợi Australia cho biết, từ năm 2002 đến năm 2012, phần lớn những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cổ tử cung tại Australia chưa từng khám sàng lọc hoặc có khám nhưng không đầy đủ. Từ năm 2017, mặc dù hoạt động khám sàng lọc ung thư cổ tử cung đã được triển khai và nhân rộng trong một chiến dịch nâng cấp các chương trình kiểm tra sàng lọc y tế quốc gia, nhưng sự hưởng ứng của người dân chưa thực sự mạnh mẽ như kỳ vọng.

Theo giáo sư Ian Frazer, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Queensland, các xét nghiệm sàng lọc virus HPV là rất quan trọng, giúp kiểm soát sớm nguồn gây bệnh và tăng khả năng điều trị khỏi hoàn toàn bệnh ung thư cổ tử cung.

Giáo sư Frazer và các cộng sự đã thành công trong việc phát triển Gardasil, một loại vaccine được sử dụng để bảo vệ cơ thể chống lại các chủng virus HPV. Giáo sư cho biết vaccine là một trong ba công cụ cần thiết để loại bỏ căn bệnh ung thư ác tính này, bên cạnh các công cụ khác, như tăng cường tầm soát cổ tử cung, đảm bảo người bệnh có thể tiếp cận đầy đủ các lựa chọn điều trị nếu họ nhiễm virus HPV.

Diệu Linh (TTXVN)
Costa Rica phát hiện hợp chất có khả năng chữa ung thư từ thực vật
Costa Rica phát hiện hợp chất có khả năng chữa ung thư từ thực vật

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico City, các nhà khoa học Costa Rica đã tìm ra một hợp chất trong cây Lippia alba, một loài thực vật có hoa trong họ Cỏ roi ngựa, có khả năng làm suy yếu các tế bào ung thư đồng thời cho phép các tế bào khỏe mạnh tiếp tục nhân lên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN