Năm 2018 ông là một trong 100 người hiến máu tiêu biểu được Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện tôn vinh.
Kể về cơ duyên hiến máu cứu người, bác sĩ Thúc cho biết, từ năm 1989, khi đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, nhìn thấy nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện cấp cứu, chấn thương nặng, mất máu trầm trọng, rồi bệnh nhân từ từ lịm đi do không được cung cấp máu kịp thời, sau đó là tiếng khóc xé lòng của người nhà bệnh nhân khi nhận được những cái lắc đầu bất lực từ bác sĩ, khiến ông trăn trở.
Cùng thời gian này, bác sĩ Thúc được cử đi học xét nghiệm máu ở Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Năm đó, phong trào hiến máu tình nguyện chưa phổ biến nên ông muốn thử cảm giác được dùng máu của mình cứu người. Ông quyết định đi hiến máu.
Sau lần đầu hiến máu, ông cảm thấy sức khỏe bình thường, ăn ngủ ngon hơn, tinh thần thoải mái nên hễ có dịp, đặc biệt là trường hợp cấp cứu trong bệnh viện, ông sẵn sàng hiến máu để cứu người.
Làm việc tại Khoa Xét nghiệm máu, nhiều lần chứng kiến bệnh nhân cần máu để duy trì sự sống nhưng lượng máu dự trữ tại bệnh viện không đủ đáp ứng, bác sĩ Thúc luôn suy nghĩ rằng phải tạo được nguồn máu ngay ở bệnh viện để trường hợp khẩn cấp, cần là có ngay. Nghĩ là làm, bác sĩ Thúc đề xuất với lãnh đạo bệnh viện và Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đồng Nai thành lập Ngân hàng máu sống tại bệnh viện.
Những ngày đầu, Ngân hàng máu sống có gần 70 thành viên, đều là các y bác sĩ trong bệnh viện. Đến nay, sau hơn 20 năm hoạt động, ngân hàng đã quy tụ được gần 400 thành viên. Trung bình mỗi năm, Ngân hàng máu sống Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh tiếp nhận hơn 120 đơn vị máu, cứu sống kịp thời 30 trường hợp bệnh nhân nguy kịch.
Gần 30 năm gắn bó với công việc hiến máu cứu người, có nhiều kỷ niệm trong các ca hiến máu đột xuất cứu người của mình mà ông không thể nào quên. Bác sĩ Hồ Văn Thúc cho biết, năm 1998, khi Ngân hàng máu sống của bệnh viện mới được thành lập, có một cô giáo sinh con tại một bệnh viện tư nhân, sau đó bị băng huyết, tình trạng rất nguy kịch, tiên lượng tử vong và được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện. Sản phụ cần được bổ sung một lượng máu lớn, tuy nhiên người nhà của sản phụ bị viêm gan B nên không thể cho máu được. Trước tình trạng đó, bác sĩ Thúc là người đầu tiên đứng ra hiến máu, sau đó kêu gọi các thành viên trong Ngân hàng máu sống của bệnh viện tham gia.
Tuy nhiên, lượng máu lấy được vẫn chưa đủ. Bác sĩ Thúc tiếp tục đứng ra vận động đồng nghiệp, cơ quan của sản phụ hiến máu cứu người. Thấy bác sĩ là người hiến máu đầu tiên, sau đó còn vận động người khác để hiến máu, các thầy cô trong trường đã kêu gọi và cùng nhau hiến máu cứu sản phụ. “Chỉ ít lâu sau khi kêu gọi, một chiếc xe ô tô chở hơn 20 người là giáo viên, cán bộ trong trường học nơi sản phụ làm việc đã có mặt tại bệnh viện tiến hành xét nghiệm và lấy máu. Điều này khiến các bác sĩ cảm thấy ấm lòng, việc làm của mình cũng đã có tác động xã hội, bác sĩ Thúc nhớ lại.
Trường hợp khác là một cha xứ trên đường đi hành lễ bằng xe máy và va chạm với xe tải và bị dập nát một phần từ bụng xuống chân, mất máu nghiêm trọng. Trong thời khắc cấp bách ấy, bác sĩ Thúc cùng những thành viên trong Ngân hàng máu sống tại bệnh viện trực tiếp hiến máu để cấp cứu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, lượng máu lấy được không đủ để đáp ứng, ông đã trực tiếp gọi điện thoại về nhà thờ, kêu gọi mọi người hiến máu cứu người. Ít lâu sau, rất đông đông đồng bào có đạo đến bệnh viện đăng ký để được hiến máu với mong muốn cứu sống vị cha xứ của họ. Bệnh nhân đã may mắn qua cơn nguy kịch và được chuyển lên bệnh viện chuyên khoa để tiếp tục điều trị.
Cũng từ sau sự việc đó, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh nhận được hàng trăm đơn đăng ký làm thành viên của Ngân hàng máu sống tại bệnh viện.
Bác sĩ Hồ Văn Thúc cho biết, bản thân luôn tâm niệm rằng một giọt máu cho đi là một con người ở lại nên khi còn khỏe mạnh, ông cũng như các thành viên trong Ngân hàng máu sống của Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh đều sẵn sàng hiến máu cứu người.
Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh Phan Văn Huyên, bác sĩ Hồ Văn Thúc là người đầu tiên và tâm huyết nhất trong việc thành lập Ngân hàng máu sống tại bệnh viện. Bất kể ngày hay đêm, chỉ cần báo cần máu để cứu người là bác sĩ Thúc luôn sẵn sàng cho máu, đây là điều không phải ai cũng có thể làm được. Với những cống hiến thầm lặng, năm 2014 bác sĩ Thúc được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú.