Hành trình khám bệnh từ thiện xuyên biên giới của những thầy thuốc trẻ tuy gian nan nhưng cũng đong đầy cảm xúc.
Những “bệnh viện dã chiến” trên nước bạn
Cuối tháng 9/2019, xuất phát từ TP Hồ Chí Minh, ngược lên cửa khẩu Hoa Lư (tỉnh Bình Phước), đoàn bác sĩ của Hội Thầy thuốc trẻ TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Quận 2 đi xuyên đất nước Campuchia đến với huyện Tha Teng (tỉnh Sekong, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) – một trong những địa phương nằm sát biên giới miền Trung Việt Nam để thực hiện chuyến khám bệnh từ thiện cho người dân sinh sống tại đây.
Từ sáng sớm, hàng trăm người dân có mặt tại địa điểm khám bệnh đã được thông báo trước để chờ đoàn bác sĩ Việt Nam. Không phụ lòng mong mỏi của người dân, ngay lập tức, một “bệnh viện dã chiến” đã mọc lên trong khuôn viên nhà xưởng của một doanh nghiệp Việt Nam tại Lào. Các bàn đăng ký, khám bệnh, siêu âm, điện tim, phát thuốc... được bố trí theo quy trình một chiều để làm sao chỉ trong thời gian ngắn nhất có thể khám bệnh được cho nhiều người dân nhất. Người dân xếp hàng chờ đợi, còn các bác sĩ với sự trợ giúp phiên dịch của các nhân viên y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện Tha Teng và những người Việt Nam sinh sống tại Lào, trực tiếp khám bệnh, tư vấn, phát thuốc.
Cũng như nhiều địa phương giáp ranh biên giới khác, Tha Teng là một huyện khó khăn của tỉnh Sê Kông, người dân ở đây chủ yếu làm nương rẫy, có người sống trên núi, ít được tiếp cận với các phương tiện truyền thông lẫn các dịch vụ y tế hiện đại.
Bác sĩ Lê Hồng Tuấn, Trưởng khoa Nội Tim mạch (Bệnh viện Quận 2), người đã tham gia 3 chuyến khám bệnh từ thiện tại Lào chia sẻ: Mô hình bệnh tật của người dân khu vực miền núi của Lào khá giống với mô hình bệnh tật ở Việt Nam những năm 80 của thế kỷ trước. Dinh dưỡng kém cùng với lao động vất vả khiến người dân thường mắc các bệnh về đau nhức cơ xương khớp, đau mắt, da liễu, tiêu hóa, bệnh phụ khoa, các bệnh về hô hấp….
Còn bác sĩ Diêu Hà Nam, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Quận 2) không khỏi xót xa khi chứng kiến nhiều người dân dù mang bệnh rất nặng nhưng không có cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế. Anh bộc bạch: “Nhiều người bệnh nặng quá, mà thời gian mình ở đây không nhiều, thuốc men thiết bị y tế lại không đầy đủ nên khó có thể giải quyết được vấn đề của họ. Nhìn ánh mắt chờ mong của họ mình không kìm lòng được”.
Chuyến đi này là lần thứ 3 của Hội Thầy thuốc trẻ TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Quận 2 nhằm giúp người dân nước bạn Lào có cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, đồng thời thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa hai đất nước anh em. Cứ mỗi lần như thế, một “bệnh viện dã chiến” lại được mọc lên, khi thì ở trạm y tế xã, lúc lại là một ngôi chùa, có khi lại ở trong nhà kho của một doanh nghiệp… Bất chấp các điều kiện khó khăn, các bác sĩ quên cả ăn cơm, miệt mài khám bệnh đến khi không còn người dân nào còn chờ đợi mới ngơi nghỉ.
“Mỗi năm một lần, chúng tôi đều đến với người dân nghèo của đất nước Lào anh em để khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí. Ban đầu, chúng tôi chỉ định đi một chuyến nhưng chính tình cảm, sự quý mến của người dân nước bạn Lào khiến chúng tôi quyết định trở lại và chắc chắn sẽ còn trở lại trong thời gian tới”, bác sĩ Nguyễn Duy Tài, Phó Giám đốc Bệnh viện Quận 2 chia sẻ.
Mong bác sĩ Việt Nam từng ngày
Nghe tin có đoàn bác sĩ Việt Nam sang khám bệnh từ thiện, ngay từ sáng sớm, bà Methao Vifon, 70 tuổi, đã cùng con trai đến đây để ngóng chờ. Nhà bà ở bản Tha Teng Tây, cách trung tâm huyện 25 km. “Nghe tin bác sĩ Việt Nam sang khám bệnh, tôi vui quá. Tôi thức dậy từ 5 giờ sáng đến đây để chờ các bác sĩ khám bệnh. Các bác sĩ Việt Nam giỏi lắm, thuốc của bác sĩ Việt Nam tốt hơn lá cây trên núi”, bà Methao Vifon hồ hởi chia sẻ. Bà Methao Vifon vui hơn khi kết thúc việc khám bệnh, bà còn được tặng một thùng quà để mang về cho con, cháu ở nhà.
Tương tự, ông Kham Biem, 76 tuổi, một cựu chiến binh từng có thời gian học tập ở Việt Nam, hào hứng: "Thuốc Việt Nam rất tốt, bác sĩ Việt Nam rất giỏi". Dù đã được khám bệnh, cấp thuốc và nghe tư vấn của bác sĩ, nhưng ông Kham Biem vẫn tiếc nuối bởi vợ ông không có cơ hội được bác sĩ Việt Nam khám bệnh. “Địa phương thông báo mỗi gia đình chỉ được một người thôi nên vợ tôi nhường cho tôi đi. Tôi mong bác sĩ Việt Nam sang đây nhiều lần để nhiều người dân Lào có cơ hội được khám bệnh miễn phí”, ông Kham Biem bày tỏ.
Có lẽ cảm động nhất là trường hợp của cụ ông Khamtai Dixay, 77 tuổi. Dù thể trạng cụ rất yếu, không thể đi lại được nhưng cụ vẫn được con trai (anh Savat Dixay) chở trên một chiếc máy cày vượt 15 km đường núi để đến gặp bác sĩ Việt Nam.
Trực tiếp leo lên xe để khám bệnh cho ông Khamtai Dixay, bác sĩ Trần Quang Châu, Trưởng phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Quận 2) cho biết, cụ ông bị bệnh tiểu đường lâu năm, nghi kèm thêm lao phổi, dinh dưỡng không đầy đủ nên thể lực suy kiệt, phải nằm một chỗ. “Với trường hợp này chúng tôi không giúp ích gì được, chỉ biết khuyên người nhà đưa cụ đến bệnh viện chăm sóc y tế lâu dài nhưng có vẻ điều này không khả thi với điều kiện kinh tế của gia đình”, bác sĩ Trần Quang Châu day dứt.
Ông Nguyễn Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty Khuonmixay, một trong những "mạnh thường quân" hỗ trợ các chuyến khám bệnh từ thiện của Hội Thầy thuốc trẻ TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Cuộc sống của người dân Lào vùng miền núi, biên giới còn gặp rất nhiều khó khăn. Họ hầu như rất ít cơ hội được tiếp cận các dịch vụ y tế, thậm chí có người cả đời chưa một lần được đặt chân đến bệnh viện bởi ngày 3 bữa ăn còn chưa đủ thì việc chăm sóc sức khỏe chỉ là thứ yếu.
Đặc biệt, người dân nơi đây rất yêu mến bác sĩ Việt Nam, họ tin vào tay nghề, trình độ của bác sĩ Việt Nam. Đó cũng là lý do ông quyết định hỗ trợ các đoàn bác sĩ sang khám bệnh từ thiện tại Lào trong những năm gần đây. “Bằng trách nhiệm xã hội của mình, chúng tôi hy vọng sẽ mang đến cho người dân Lào còn nhiều khó khăn cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ y tế tốt nhất”, ông Nguyễn Văn Việt cho hay.
Dù hành trình khám bệnh từ thiện tại đất nước Lào anh em gặp nhiều khó khăn khi phải di chuyển liên tục trên quãng đường xa, gặp rào cản ngôn ngữ nhưng vượt qua hết thảy, đoàn bác sĩ tình nguyện Việt Nam hứa với người dân nơi đây sẽ tiếp tục quay trở lại. Điều này không chỉ minh chứng cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt – Lào, mà còn thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện của những người thầy thuốc trẻ Việt Nam và hơn hết là tình thương yêu giữa con người với con người.