Báo động thẩm mỹ viện ‘chui’ - Bài 1: ‘Vỡ mộng’ làm đẹp

Cả tin vào những chiêu quảng cáo “trên trời” của các dịch vụ làm đẹp, không tìm hiểu về các cơ sở thẩm mỹ đã khiến nhiều người “tiền mất tật mang” khi đẹp đâu chưa thấy đã thấy lĩnh đủ hậu quả. Với sự hoành hành của nhiều cơ sở thẩm mỹ “chui”, hoạt động không phép, các cơ quan chức năng cần siết chặt hơn nữa hoạt động thẩm mỹ, nhất là tại các thành phố lớn.

Chú thích ảnh
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức điều trị ca tai biến mù mắt do tiêm filler tại một spa. Ảnh: BV

Nhan nhản dịch vụ “chui” không phép

Các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là những “mảnh đất màu mỡ” cho dịch vụ thẩm mỹ phát triển. Tuy nhiên cùng với nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng cao của người dân, các dịch vụ kém chất lượng, thẩm mỹ “chui” cũng hoành hành khó kiểm soát.

Mới đây, theo phản ánh của người dân về nhiều ca biến chứng sau làm đẹp, khi phát hiện cơ sở thẩm mỹ có tên “Thẩm mỹ Viện 108 Hà Nội” (ở số 2 Đỗ Đức Dục, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) có sai phạm, quận Nam Từ Liêm đã tiến hành kiểm tra đột xuất và phát hiện cơ sở thẩm mỹ này thực hiện dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn gây chảy máu, không đúng với ngành nghề đã đăng ký.  

Cụ thể chỉ với giấy phép chăm sóc da nhưng trước đó cơ sở này được nhiều khách hàng cho biết là thực hiện các dịch vụ: Nâng mũi, cắt mí, bóc mỡ bọng mắt… đã có trường hợp biến chứng phải vào bệnh viện điều trị. Điều đáng nói là cơ sở này đề tên mập mờ “ăn theo” Bệnh viện 108 để lừa khách hàng, nhiều người cả tin cho rằng đây là cơ sở có bác sĩ của bệnh viện lớn, uy tín nên bỏ tiền ra để làm đẹp tại đây. 

Trao đổi về việc xử phạt cơ sở thẩm mỹ trái phép trên địa bàn, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: “Khi kiểm tra cơ sở thẩm mỹ có tên “Thẩm mỹ Viện 108 Hà Nội”, trong giấy phép kinh doanh cơ sở này chỉ đăng ký dịch vụ làm đẹp, chăm sóc da, không có giấy phép khám chữa bệnh nhưng lại thực hiện dịch vụ vượt quá giấy phép là các dịch thẩm mỹ có xâm lấn. Trước đó cơ sở này đã từng 2 lần bị xử phạt, cơ quan chức năng đã quyết định thu hồi giấy phép, đóng cửa vĩnh viễn thẩm mỹ viện này. Chúng tôi đã giao cho phường tiến hành xử lý, thu hồi giấy phép và hạ biển của cơ sở này xuống”.

Tuy nhiên, khi phóng viên đến tận nơi, thấy cơ sở này dù đã bị phạt ngừng hoạt động, phải hạ biển nhưng thực tế vẫn còn treo biển và đã đổi tên thành “Thẩm mỹ viện Hà Nội”. Trên trang facebook “Thẩm mỹ Viện 108 Hà Nội” (đề địa chỉ số 2 đường Đỗ Đức Dục) vẫn liên tục đăng bài quảng cáo về các dịch vụ xâm lấn ngoài giấy phép như: Căng da mặt tiểu phẫu, cắt mí, bổ mí, treo chân mày, lấy mỡ nội soi… với các lời hứa hẹn như: Làm nhanh trong 40 phút, làm xong đi chơi bình thường, với nhiều mức giá ưu đãi…

Chú thích ảnh
“Thẩm mỹ Viện 108 Hà Nội” (ở số 2 Đỗ Đức Dục, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đổi tên sau khi bị xử phạt. Ảnh: TN

Ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh, cũng có nhiều cơ sở đăng ký kinh doanh với loại hình dịch vụ thẩm mỹ như xăm, phun, thêu trên da, cơ sở chăm sóc da… nhưng lại quảng cáo có thể nâng mũi, cắt mí mắt, hút mỡ bụng… nhiều cơ sở thẩm mỹ “chui” núp bóng các cơ sở dịch vụ chăm sóc da cũng đã được phát hiện gần đây.

Theo quảng cáo trên facebook với tài khoản “Viện thẩm mỹ y khoa Anita” phóng viên báo Tin tức đã đến thẩm mỹ viện Anita tại địa chỉ 282 Cao Thắng, Quận 10 để tìm hiểu về các dịch vụ làm đẹp tại đây.

Vừa mở cửa bước vào, phóng viên bị choáng ngợp vì 2-3 nhân viên đón tiếp rất niềm nở và sẵn giấy bút để điền thông tin khách hàng. Khi chúng tôi hỏi về dịch vụ cắt mí mắt đang quảng cáo trên facebook của thẩm mỹ, một nhân viên tên Trang bắt đầu tư vấn: “Bên em có nhấn mí mắt và phẫu thuật cắt mí mắt. Nhưng với tuổi của chị và mắt chị nhìn buồn thì nên phẫu thuật cắt mí mắt sẽ đẹp hơn và bên em sẽ bảo hành trọn đời. Với công nghệ cắt mí mắt nội soi đảm bảo không đau, nhanh và không tốn thời gian nghỉ ngơi. Nếu chị làm hôm nay bên em sẽ giảm giá từ 9 triệu còn 6 triệu đồng”.

Thấy tôi còn đang phân vân, nam “bác sĩ” mặc áo màu xanh giống ở trong phòng phẫu thuật với cánh tay xăm trổ ngồi bên cạnh mở điện thoại tiếp tục cho chúng tôi xem và nói: “Chị yên tâm, làm một tuần là mắt không sưng và vô dáng rất đẹp. Đây khách bên em mới làm nhìn rất tự nhiên. Trước đó, cô gái này (trong hình - nhân vật cho xem) đi nhấn mí mắt chỗ khác bị hỏng về đây các bác sĩ sửa lại mới đẹp như bây giờ”.

Xong phần tư vấn về mắt, nhân viên tại đây lại tiếp tục giới thiệu với chúng tôi các phương pháp làm mũi rồi động viên: “Mặt chị nhỏ, da mũi nhiều nên làm rất đẹp không lo lộ sống mũi. Làm mũi bán cấu trúc tùy từng loại sụn như sụn Hàn Quốc, Mỹ, Mỹ Vip sẽ có giá khác nhau từ 6 đến 12 triệu đồng, còn làm mũi cấu trúc thì có giá 25 triệu đồng”. Khi chúng tôi hỏi bác sĩ nào làm thì một nhân viên nữ khác tiếp lời: “Chị yên tâm bác sĩ bên em là bác sĩ chính quy từ bệnh viện Chợ Rẫy chứ không phải bác sĩ thẩm mỹ”.

Hơn nửa tiếng ngồi nghe nhân viên tại đây tư vấn, phóng viên lấy lý do bận việc và cần suy nghĩ thêm, lập tức các nhân viên ở đây tiếp tục có những lời ngon ngọt “dụ dỗ”: “Hôm nay, chị đặt cọc 1 triệu hay 500 cũng được, bên em sẽ giữ suất giảm giá cho chị và em sẽ xin sếp giảm cho chị mỗi dịch thêm 1 triệu đồng nữa. Bên em đủ suất rồi sẽ ngừng chương trình. Lần sau chị tới làm sợ không còn giá ưu đãi như vậy nữa”.

Qua tìm hiểu của phóng viên, Thẩm mỹ viện Anita không có trong danh sách các cơ sở khám chữa bệnh được cấp phép của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, qua tra cứu mã số thuế của thẩm mỹ viện trên được biết thẩm mỹ viện này được đăng ký hoạt động vào ngày 15/5/2020 với ngành nghề kinh doanh là buôn bán mỹ phẩm, gội đầu, chăm sóc da, phun thêu, xăm môi… (không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm).

Thực tế, nhiều cơ sở thẩm mỹ đã sử dụng triệt để các công cụ quảng cáo trên mạng xã hội như facebook, zalo, instagram... với những lời quảng cáo “có cánh”, hình ảnh đẹp “lung linh” và chương trình khuyến mãi rất hấp dẫn từ 30% - 40% để tiếp cận khách hàng.

Không chỉ quảng cáo đánh lừa người dân, nhiều cơ sở thẩm mỹ còn có nhiều hành động đối phó khi các cơ quan chức năng đến kiểm tra như: Khóa phòng, không chịu mở cửa lên các tầng trên, có những cơ sở, Đoàn thanh tra phải yêu cầu cơ quan chức năng phá khóa mới vào kiểm tra được.

Nhiều người “vỡ mộng”

Thực tế, nhiều cơ sở thẩm mỹ đã sử dụng triệt để các công cụ quảng cáo trên mạng xã hội như facebook, zalo, instagram... với những lời quảng cáo “có cánh”, hình ảnh đẹp “lung linh” và chương trình khuyến mãi rất hấp dẫn từ 30% - 40% để tiếp cận khách hàng. Tuy nhiên sau khi sử dụng dịch vụ nhiều chị em phải “vỡ mộng” khi đẹp đâu chưa thấy, chỉ thấy các biến chứng nặng, thậm chí nguy kịch đến tính mạng.

Sự cả tin của người dân vào các dịch vụ giá rẻ với những lời quảng cáo trên trời cùng với nhan nhản các cơ sở thẩm mỹ viện làm dịch vụ “chui” là lý do thời gian gần đây, nhiều ca tai biến do làm đẹp liên tiếp xảy ra ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Tại các bệnh viện lớn cũng phải liên tục giải quyết hậu quả của các ca tai biến do làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ kiểu này. 

Mới đây Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân N.T.H (nữ, 20 tuổi, ở Bắc Ninh) vì bị mù mắt sau tiêm filler tại một spa. Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân này tin tưởng người bạn thân làm việc tại spa và để bạn tiêm filler nâng mũi cho mình. Ngay trong lúc tiêm, bệnh nhân đã cảm thấy choáng váng, đau đầu, mờ mắt trái, toàn thân nóng ran rồi chuyển rét run. Thấy vậy, nhân viên của spa này đã tự mua thuốc giải về tiêm để xử lý nhưng khi thấy tình trạng càng ngày nguy hiểm mới chuyển người được tiêm đến bệnh viện. Khi được chuyển đến cấp cứu tại Trung tâm Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, mắt trái của bệnh nhân này đã không còn nhìn thấy gì, chỉ phân biệt được sáng - tối, bị sụp mi trái toàn bộ, các cơ vận động nhãn cầu tê liệt hoàn toàn. 

Hay như trường hợp của chị T.T.N. (43 tuổi, Kiên Giang) phải đến bệnh viện cấp cứu vì bộ ngực bị lở loét với lỗ thủng to và chảy dịch sau khi đi nâng ngực ở một spa ở Quận 6, TP Hồ Chí Minh.

Trước đó, qua quảng cáo trên mạng, chị N. tìm đến cơ sở trên nâng ngực với giá 40 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật, chị N. cảm giác đau nhức âm ỉ liên tục và cơn đau lan rộng khắp cả bầu ngực. Quá lo lắng, chị N. đã liên hệ với spa để nhờ giải quyết nhưng chủ spa này đã trấn an là do mới phẫu thuật nên triệu chứng đó là bình thường, sau đó truyền kháng sinh cho chị liên tục trong một tháng nhưng tình trạng không giảm mà còn nặng hơn. Sau đó, chị N. mới đi khám và phải nhập viện điều trị. Đây chỉ là hai trong số hàng trăm bệnh nhân đã phải trả giá vì trót đặt niềm tin vào thẩm mỹ “chui”.

Theo các bác sĩ, đây không chỉ là vấn đề về kiến thức chuyên môn mà còn vi phạm rất nghiêm trọng về đạo đức nghề nghiệp. Nhiều cơ sở chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà xem thường sức khỏe người dân, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và những giá trị tốt đẹp của ngành thẩm mỹ, những y bác sĩ làm nghề chân chính đang cố gắng xây dựng.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa phẫu thuật Tạo hình Hàm mặt Thẩm mỹ cho biết: “Gần đây, chúng tôi thường xuyên phải cấp cứu các ca biến chứng do làm đẹp, điển hình như các ca tiêm filler gây mù mắt nặng; có những ca khi biến chứng ở vùng rất hiểm mà chỉ tiêm nông ở phía ngoài sẽ không có tác dụng, cần phải có đội ngũ chẩn đoán hình ảnh, can thiệp mạch để xử lý đưa hẳn dụng cụ, thuốc giải vào trong lòng mạch máu, đưa đến tận vị trí tắc mạch sâu mới có thể thông tắc tốt hơn, điều trị hiệu quả hơn. Nhiều ca tai biến đến khi nặng gia đình mới đưa bệnh nhân đến để điều trị. Các trường hợp này hầu như đều thực hiện tại các spa, không được cấp phép, thậm chí có người còn cho nhân viên spa đến tận nhà để tiêm chất làm đầy… rất nguy hiểm”.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, nếu những trường hợp không may xảy ra tai biến thì nên đến các trung tâm chuyên khoa có thể xử trí y tế; không nên đi đến nhiều nơi chuyên môn thấp, quay lại cơ sở spa để chỉnh hoặc để quá muộn mới đến bệnh viện khi đã nặng lên sẽ rất khó để cứu chữa.

Với mong muốn làm đẹp cùng sự cả tin của người dân vào quảng cáo “trên trời” và thiếu hiểu biết đã dẫn đến sự trả giá rất đắt là chính sức khoẻ, tính mạng của họ. Nguy hiểm hơn là nhiều người "liều" giao sức khoẻ, sắc đẹp của mình cho những người không có chuyên môn thực sự để làm đẹp mà không có sự tìm hiểu. 

ThS.BS Nguyễn Quang Minh, Phó Trưởng Khoa Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng cho biết: “Để đào tạo ra một bác sĩ thẩm mỹ, ngoài việc học chính thống và chuyên môn đã mất hơn 10 năm mới có thể dày dạn chuyên môn để làm các dịch vụ phẫu thuật, xâm lấn. Tuy nhiên, đáng sợ là ở nhiều thẩm mỹ viện chui, có những người chỉ học 3 tháng, thậm chí 3 ngày đã làm các thủ thuật xâm lấn vào cơ thể người bệnh là rất nguy hiểm. Vì vậy với tâm lý “ham rẻ”, không thể quy đồng mức giá làm dịch vụ ở những nơi bác sĩ không có chuyên môn cao và những nơi làm dịch vụ chui”.

Tạ Nguyên-Đan Phương/Báo Tin tức
Báo động thẩm mỹ viện ‘chui’ - Bài cuối: Nâng tầm dịch vụ tại bệnh viện
Báo động thẩm mỹ viện ‘chui’ - Bài cuối: Nâng tầm dịch vụ tại bệnh viện

Trong khi các cơ sở thẩm mỹ “chui” hoạt động không phép nhan nhản, nhiều người không có chuyên môn vẫn cầm kim tiêm, dao kéo để làm đẹp thì tại nhiều bệnh viện với bác sĩ chuyên môn tốt, bệnh viện uy tín, có đầu tư nhưng vẫn chưa được nhiều người biết tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN