Gần đây, cháu N.Q (7 tuổi) xuất hiện triệu chứng ăn kém, rối loạn tiêu hóa không thường xuyên, gầy sụt cân, được gia đình đưa đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Viện Sốt rét - Côn trùng - Ký sinh trùng Trung ương) để khám sức khỏe.
Qua kết quả xét nghiệm của cháu Q., các bác sĩ đã phát hiện có trứng sán dây nhỏ Hemynolepis trong mẫu phân. Bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh sán dây nhỏ Hymenolepiasis (hay còn gọi sán dây chuột).
BS. Văn Thị Thơ, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh và Thăm dò chức năng, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết: “Bệnh nhân mắc bệnh có thể do đã nuốt phải trứng sán dây nhỏ có trong ngũ cốc đã nấu sẵn, các loại thực phẩm, nước uống hoặc bàn tay có nhiễm trứng sán hoặc ấu trùng chưa trưởng thành có trong các loại động vật gặm nhấm (chuột), động vật chân đốt như gián hoặc mọt cám có trong ngũ cốc…”.
Cũng theo BS. Văn Thị Thơ, tại Việt Nam cũng đã phát hiện nhiều trường hợp trẻ em bị nhiễm sán; bệnh thường diễn biến âm thầm nên dễ bị bỏ qua.
Khi bị nhiễm nguồn lây sán, bệnh thường diễn tiến âm thầm. Tuy nhiên có những trường hợp nhiễm số lượng sán nhiều; bệnh nhân sẽ có các triệu chứng bệnh.
Khi người nuốt phải trứng sán, hoặc ăn phải thực phẩm như mọt cám nhiễm sán dây nhỏ, mầm bệnh sẽ vào dạ dày, khu trú và gây bệnh ở nhung mao của ruột non, hồi tràng phá vỡ nhung mao ruột gây các triệu chứng về đường tiêu hóa như đau bụng thượng vị, quanh rốn… chán ăn, mệt mỏi, gầy sút cân, ngứa vùng thân dưới… Đôi khi có các dấu hiệu thần kinh như mất ngủ, chóng mặt, co giật” bác sĩ Văn Thị Thơ cho biết.
Để phòng tránh bệnh sán dây nhỏ Hymenolepiasis, bác sĩ khuyến cáo, người dân cần rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và trước khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ. Cha mẹ cần dạy trẻ rửa tay đúng cách. Ở những nơi có nguy cơ không đảm bảo vệ sinh, khi ăn trái cây, người dân cần gọt vỏ trái cây hoặc rửa bằng nước an toàn như nước khử trùng, nước đóng chai, nước đun sôi hoặc nước lọc; cần nấu chín rau và thực phẩm trước khi ăn.