Theo đó, từ đầu năm đến hết ngày 9/10, toàn thành phố ghi nhận 641 ca mắc; trong tháng 8 và tháng 9/2018, số ca mắc tay chân miệng tăng nhanh nhất với 347 ca; riêng trong tháng 9, ghi nhận đến 2 ca. Ở 3/9 quận, huyện là Bình Thủy, Cái Răng và Vĩnh Thạnh, số ca mắc tay chân miệng tăng mạnh nhất.
Sở Y tế thành phố Cần Thơ cho biết, khác với mọi năm bệnh thường tập trung ở trẻ 3-5 tuổi, tuy nhiên năm 2018 bệnh lại xuất hiện nhiều ở trẻ từ 1- 2 tuổi, chiếm đến 95,4% số ca bệnh được ghi nhận.
Trong 641 ca mắc tay chân miệng được ghi nhận, trẻ 1 tuổi mắc bệnh là 495 ca, trẻ 2 tuổi là 117 ca; có 14 ca mắc bệnh nặng (độ 2b và độ 3), tăng 8 ca so với cùng kỳ năm 2017... Đến thời điểm hiện tại, Cần Thơ chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do bệnh tay chân miệng gây ra.
Thống kê của Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, hiện cứ 5 bệnh nhi nhập viện thì có 1 ca nghi mắc tay chân miệng. Tính từ đầu tháng 8/2018 đến nay, trung bình mỗi ngày, Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ tiếp nhận từ 60-80 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại Cần Thơ và nhiều tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhập viện để điều trị. Do số bệnh nhi mắc tay chân miệng tăng nhanh nên số giường bệnh không đáp ứng đủ nhu cầu điều trị nội trú. Hiện hành lang của bệnh viện cũng đã được tận dụng làm nơi điều trị nội trú cho bệnh nhi.
Bác sĩ Huỳnh Hùng Dũng – Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết, từ đầu tháng 9 đến nay, Khoa luôn trong tình trạng quá tải khi số lượng bệnh nhi nhập viện điều trị nội trú tăng gấp 5 lần.
Hiện có khoảng 250 ca mắc tay chân miệng đang điều trị nội trú, mỗi giường bệnh từ 5 đến 6 bệnh nhi; chưa kể ở hành lang, số bệnh nhi nằm điều trị cũng trong tình trạng quá tải.
Mặc dù số ca bệnh tay chân miệng nhập viện điều trị tăng nhanh nhưng mức độ đều không nghiêm trọng do các phụ huynh đã sớm đưa trẻ đến các bệnh viện ngay khi nhận thấy một số dấu hiệu như sốt, đau họng, nổi đớm đỏ, mọng nước ở lòng bàn tay và bàn chân…
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ, bệnh tay, chân, miệng dễ lây truyền từ người sang người theo đường tiêu hóa, hô hấp, tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết mũi họng và dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, trẻ càng nhỏ thì các triệu chứng bệnh càng nghiêm trọng hơn, nếu không được chẩn đoán điều trị kịp thời bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.
Đại diện Sở Y tế thành phố Cần Thơ cho hay, bệnh tay chân miệng có nguy cơ bùng phát mạnh trong học đường, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non, nhà trẻ gia đình là nơi có nguy cơ lây bệnh cao nhất. Để chủ động phòng chống bệnh, Sở Y tế thành phố Cần Thơ đã đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng chống bệnh hiệu quả như: vệ sinh sạch sẽ sàn nhà, nơi các bé học tập và sinh hoạt; rửa tay thường xuyên với xà phòng... Song song đó, Sở cũng tăng cường công tác giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời, triệt để có hiệu quả các ổ bệnh, các điểm nóng, các nơi có bệnh nhân mắc tay chân miệng, kiên quyết không để bệnh lây lan và bùng phát thành dịch...