Vừa qua, thông tin bệnh nhân COVID-19 số 50 đang điều trị tại Bệnh viện số 2 (Hạ Long, Quảng Ninh) có kết quả xét nghiệm hai lần âm tính vào ngày 26 và 28/3 rồi lại dương tính trở lại với vi rút SARS-CoV-2 vào 3 lần tiếp theo đang khiến nhiều người lo lắng.
Lý giải về trường hợp này, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết: “Việc xét nghiệm cho bệnh nhân mắc COVID-19 hôm nay âm tính, ngày mai dương tính là chuyện bình thường trong khi điều trị”.
Theo ông Khổng Minh Tuấn, kết quả xét nghiệm âm tính là ở thời điểm xét nghiệm đó chứ không phải bệnh nhân đã âm tính hẳn với vi rút SARS-CoV-2. Và không phải lúc nào cũng tìm được vi rút trong người bệnh nhân, là do tuỳ theo tốc độ phát triển của vi rút.
Vì vậy, để có thể công bố khỏi bệnh, các bệnh nhân cần phải được xét nghiệm khẳng định 3 - 4 lần âm tính liên tục và hết hẳn triệu chứng bệnh. Đây cũng là lý do có nhiều ca bệnh đã điều trị dài ngày nhưng vẫn chưa được công bố khỏi bệnh.
Theo đó, tất cả các bệnh nhân khi đã được công bố khỏi bệnh tức là đã khẳng định trong người "sạch vi rút" nên người dân yên tâm, không phải lo lắng trong chuyện bệnh nhân dương tính trở lại với vi rút SARS-CoV-2.
Cũng khẳng định trường hợp của bệnh nhân số 50 là bình thường, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Trong quá trình điều trị bệnh nhân COVID-19 ở các nước cũng đã gặp nhiều trường hợp xuất hiện các lần xét nghiệm âm tính xen giữa quá trình điều trị. Đó là do khi bệnh nhân chưa điều trị xong, cơ thể chưa đào thải hết vi rút, nhất là khi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu vi rút này.
Cũng theo chuyên gia này, sau điều trị, vi rút đã bị suy yếu nên khả năng lây bệnh cho người khác sau giai đoạn tiếp tục cách ly 14 ngày sau điều trị là rất thấp. Tính đến nay cũng chưa có trường hợp nào lây từ người đã điều trị xong trở về cộng đồng được báo cáo.