Nhiều ảnh hưởng của COVID-19 đến bệnh nhân ung thư
Một nghiên cứu trên 50 tiểu bang của Hoa Kỳ cho kết quả bệnh nhân chỉ cần có 1 trong 13 loại ung thư, gồm: ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư bàng quang, ung thư thận, ung thư nội mạc tử cung, ung thư máu, ung thư hạch bạch huyết, ung thư phổi, ung thư gan, ung thư tuyến tụy, ung thư hắc tố, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư tuyến giáp sẽ có nguy cơ chuyển biến nặng và tử vong khi mắc COVID-19, đặc biệt là bệnh nhân ung thư mới phát hiện.
Nghiên cứu cũng kết luận, nhóm bệnh nhân ung thư mắc COVID-19 có nguy cơ chuyển biến nặng và tử vong cao hơn so với nhóm bệnh nhân mắc COVID-19 mà không bị ung thư và nhóm bệnh nhân bị ung thư mà không mắc COVID-19. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết và tầm quan trọng của việc theo dõi, bảo vệ nhóm bệnh nhân ung thư và bệnh nhân ung thư mới phát hiện được an toàn trong dịch COVID-19.
Theo các bác sĩ chuyên khoa ung thư, nguyên nhân là do bệnh ung thư gây ảnh hưởng nhiều nhất lên hệ thống miễn dịch, từ đó làm giảm sức đề kháng của bệnh nhân, nhất là đang trong thời gian điều trị xạ trị, hóa trị… sẽ làm giảm số lượng bạch cầu ở tủy xương, khiến bệnh nhân dễ nhiễm các mầm bệnh hơn bình thường. Thêm vào đó, vì hệ miễn dịch suy yếu sẽ khiến bệnh nhân có nguy cơ gặp biến chứng nặng hơn khi mắc COVID-19.
Hàng loạt nghiên cứu khác cũng cho nhận định, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân ung thư phổi khi mắc COVID-19 sẽ tăng gấp 4 lần. Nguy cơ bệnh nhân ung thư vú và ung thư máu chuyển nặng và tử vong cũng cao hơn. Ở nhóm bệnh nhân ung thư mắc COVID-19 có tiền sử hút thuốc lá, có bệnh lý nền đi kèm hoặc đang hóa trị liệu đều làm tăng nguy cơ tử vong. Các nhà nghiên cứu khẳng định, COVID-19 và ung thư đang là “bộ đôi gây chết người” nguy hiểm nhất.
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện thành phố Thủ Đức cho biết, thời điểm đỉnh dịch tại TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Dã chiến điều trị COVID-19 thành phố Thủ Đức số 1 đã tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân ung thư mắc COVID-19. Qua điều trị, các bác sĩ nhận thấy, bệnh nhân nào được tiêm vaccine COVID-19, khi mắc bệnh diễn tiến nhẹ nhàng hơn. Với bệnh nhân chưa được tiêm, sau khi điều trị COVID-19 sẽ còn một số di chứng như khó thở kéo dài, có thể làm trễ lịch điều trị ung thư. Do đó, khoa Ung bướu Bệnh viện thành phố Thủ Đức đã và đang tiêm ngừa vaccine phòng COVID-19 cho tất cả bệnh nhân nội và ngoại trú.
Ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 nhắc sớm
Trong chương trình “Giá như” với chủ đề "Bảo vệ tối ưu bệnh nhân ung thư trong đại dịch COVID-19" được tổ chức mới đây, PGS.TS Lê Thượng Vũ, Phó trưởng Bộ môn Nội tổng quát - Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Việc tiêm vaccine COVID-19 được khuyến khích ở tất cả bệnh nhân ung thư đang điều trị tích cực, bao gồm cả những bệnh nhân đang hóa trị liệu, điều trị đích, điều trị miễn dịch hay xạ trị".
Còn theo khuyến nghị của Mạng lưới Ung thư toàn diện Quốc gia Hoa Kỳ (NCCN), tất cả bệnh nhân đang mắc ung thư và những người đang điều trị nên được tiêm phòng bằng bất kỳ loại vaccine COVID-19 nào đã được cho phép sử dụng.
Bên cạnh đó, chương trình đánh giá dữ liệu nghiên cứu gần đây của nhiều chuyên gia tại châu Á cũng chứng minh hiệu quả bảo vệ chống lại bệnh nặng và tử vong do COVID-19 sau 2 mũi tiêm của các loại vaccine AstraZeneca và mRNA là tương đương và khá cao, bất kể ở độ tuổi nào.
Ngoài ra, những bệnh nhân ung thư đang điều trị bằng hóa trị liệu hoặc liệu pháp miễn dịch, hoặc phối hợp sau lần tiêm chủng thứ hai của vaccine mRNA (Moderna) đã cho thấy: vào ngày thứ 28 sau tiêm, 84% bệnh nhân ung thư được điều trị bằng hóa trị liệu có đủ mức kháng thể kháng virus SARS-CoV-2 trong máu, tỷ lệ này lần lượt là 89% ở bệnh nhân điều trị hóa trị - miễn dịch kết hợp và 93% ở bệnh nhân điều trị miễn dịch đơn thuần.
“Với các bệnh nhân ung thư, đặc biệt là trường hợp sử dụng hóa trị, những tế bào bạch cầu tạo ra đề kháng của cơ thể như lympho B, lympho T ít nhiều bị ảnh hưởng. Theo đó, số lượng của các tế bào này bị giảm đi, chất lượng kém hơn do hóa trị. Thông thường, có một tỉ lệ khá lớn bệnh nhân không tạo được đủ kháng thể bảo vệ như trông đợi. Ở bệnh nhân ung thư, kháng thể được tạo ra sau khi tiêm vaccine có thể giảm nhanh hơn so với người bình thường. Do đó, bệnh nhân ung thư là đối tượng cần được ưu tiên sớm tiêm nhắc lại vaccine COVID-19”, PGS.TS Lê Thượng Vũ khuyến cáo.
Bên cạnh vaccine COVID-19, kháng thể đơn dòng như của AstraZeneca hay một số hãng dược khác cũng là một trong biện pháp hiệu quả để bảo vệ bệnh nhân ung thư trước COVID-19. Phương pháp này không thay thế vaccine phòng COVID-19 mà giúp cung cấp thêm 1 lớp bảo vệ bổ sung cho những người nguy cơ cao, đặc biệt lợi ích ở những các trường hợp bị suy giảm miễn dịch, không có khả năng đáp ứng miễn dịch thỏa đáng và không sinh đầy đủ kháng thể sau khi đã tiêm đủ liều vaccine hoặc cho người không thể tiêm vaccine, do từng xảy ra phản ứng bất lợi nghiêm trọng với vaccine COVID-19.
Trung tâm Quốc gia về chủng ngừa và bệnh hô hấp (NCIRD), Phân ban bệnh do virus (CDC) cũng khuyến cáo, việc tập trung bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ, trong đó có bệnh nhân ung thư sẽ giúp giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng phải nhập viện, bệnh nhân tử vong do COVID-19. Đây là chiến lược quan trọng giúp giảm gánh nặng cho hệ thống y tế, góp phần sớm kết thúc đại dịch, mở cửa các hoạt động và đưa cuộc sống trở lại bình thường.