Phân tích cho thấy hơn 3,4 tỷ người - tương đương 43% dân số toàn cầu - mắc các bệnh về thần kinh trong năm 2021. Hàng trăm nhà khoa học, do Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) có trụ sở tại Mỹ dẫn đầu, đã tham gia thực hiện nghiên cứu trên. Tác giả chính của nghiên cứu, bà Jaimie Steinmetz của IHME cho biết kết quả cho thấy các bệnh về hệ thần kinh hiện là "nguyên nhân hàng đầu trên thế giới gây ra gánh nặng bệnh tật nói chung". Theo bà Steinmetz, các trường hợp mắc các bệnh này đã tăng 59% trong 3 thập kỷ qua, chủ yếu là do dân số thế giới đang già đi và tăng nhanh.
Trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã xem xét 37 bệnh lý về thần kinh khác nhau ảnh hưởng như thế nào đến tình trạng sức khỏe kém, khuyết tật và tử vong sớm trên 204 quốc gia và vùng lãnh thổ từ năm 1990 - 2021. Dữ liệu này được sử dụng để ước tính số năm sống khỏe mạnh bị mất đi do mỗi căn bệnh, được gọi là sự thay đổi tuổi thọ do bệnh lý (DALYs).
Nghiên cứu cho thấy vào năm 2021, hơn 443 triệu năm cuộc sống khỏe mạnh đã bị mất do các rối loạn hệ thống thần kinh trên toàn cầu, tăng 18% so với năm 1990. Tuy nhiên, nếu độ tuổi và quy mô ngày càng tăng của dân số được điều chỉnh, chỉ số DALYs và số ca tử vong do những căn bệnh về thần kinh sẽ giảm khoảng 1/3.
Kết quả nghiên cứu cho thấy bệnh nặng nhất là đột quỵ, cướp đi 160 triệu năm sống khỏe mạnh. Tiếp theo là một dạng tổn thương não gọi là bệnh não sơ sinh, đau nửa đầu, mất trí nhớ bao gồm bệnh Alzheimer, tổn thương thần kinh do tiểu đường, viêm màng não và động kinh. Bệnh suy giảm nhận thức do COVID-19 xếp thứ 20.
Cũng theo nghiên cứu trên, hơn 11 triệu người đã tử vong vì 37 các bệnh về thần kinh trong năm 2021. Tuy nhiên, IHME cho biết bệnh tim mạch hiện vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, khiến 19,8 triệu người tử vong trên toàn thế giới trong năm 2022.
Rối loạn thần kinh phổ biến nhất là đau đầu do căng thẳng và đau nửa đầu. Bệnh phát triển nhanh nhất là tổn thương thần kinh được gọi là bệnh thần kinh tiểu đường do số ca mắc bệnh tiểu đường tăng cao. Hầu hết các bệnh này không có cách chữa trị. Nhưng theo các nhà nghiên cứu, có nhiều cách để giảm bớt nguy cơ, bao gồm giảm tỷ lệ huyết áp cao, tỷ lệ mắc tiểu đường và giảm uống rượu. Vì vậy, họ kêu gọi cần làm nhiều hơn nữa để ngăn ngừa, điều trị và phục hồi các rối loạn, vốn ảnh hưởng nhiều đến các nước nghèo hơn.
Đồng tác giả nghiên cứu, bà Valery Feigin cảnh báo: “Gánh nặng thần kinh trên toàn thế giới đang tăng rất nhanh và sẽ gây áp lực lớn hơn lên hệ thống y tế trong những thập kỷ tới”.
Đây cũng là lần đầu tiên chuỗi nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu xem xét tác động của các rối loạn thần kinh đối với trẻ em. Các bệnh này chiếm gần 1/5 tổng số DALYs, nghĩa là trẻ em trên toàn thế giới đã mất 80 triệu năm sống khỏe mạnh trong năm 2019 chỉ vì những căn bệnh này.