Nhiều trẻ bị nặng, để lại di chứng
Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện nhiều trẻ mắc viêm não Nhật Bản đang phải điều trị tích cực, các bác sĩ từng giờ giành giật sự sống, cứu bệnh nhi.
Bệnh nhi N.M.H (6 tuổi, ở Hải Dương) được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương từ ngày 17/6, đến nay vẫn hôn mê. Trước đó 6 ngày, trẻ xuất hiện đau đầu, kèm theo sốt cao - 42 độ C, nôn và giảm ý thức, li bì, ngủ nhiều. Khi gia đình đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương thì đã rơi vào tình trạng hôn mê. Sau khi tiến hành thăm khám, chọc dịch não tủy, làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm não Nhật Bản, được điều trị tăng áp lực nội sọ, thở máy. Sau nhiều ngày điều trị, bệnh nhi vẫn thở oxy qua mask, chưa tỉnh hẳn và có biểu hiện tăng lực cơ toàn thân.
Người nhà bệnh nhi cho biết: Cháu H. đã được tiêm phòng vaccine theo chương trình tiêm chủng mở rộng nhưng không nhớ rõ đã được tiêm phòng vaccine viêm não Nhật Bản hay chưa.
Cũng tại đây các bác sĩ đang nỗ lực điều trị cho bệnh nhi T.T.T (5 tuổi, ở Hải Phòng). Bệnh nhi nằm điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới 3 tuần nay nhưng vẫn đang phải phụ thuộc vào máy thở, liệt tứ chi, tiên lượng nặng.
Trước đó trẻ xuất hiện triệu chứng sốt cao, sốt từng cơn, kèm theo đau đầu, nôn nên được gia đình đưa vào viện Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng và được chẩn đoán mắc viêm não Nhật Bản. Sau đó, bệnh nhi xuất hiện tình trạng giảm ý thức, suy hô hấp, các bác sĩ đã tiến hành đặt ống nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Qua khai thác bệnh sử cho thấy, trẻ được tiêm phòng 3 mũi viêm não Nhật Bản khi trẻ 2 tuổi nhưng từ đó đến nay chưa tiêm nhắc lại.
Mùa hè nắng nóng cũng là "mùa" bệnh viêm não gia tăng. Tính từ đầu tháng 5 đến nay, Trung tâm bệnh Nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho gần 20 trường hợp trẻ bị viêm não Nhật Bản. Không may mắn, trong số các bệnh nhi đã và đang điều trị có khoảng 70% số trẻ phải gánh chịu di chứng nặng nề của bệnh.
TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiêt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: "Viêm não Nhật Bản là bệnh viêm cấp tính tổ chức não do virus viêm não Nhật Bản gây nên, đây là virus gây viêm não hàng đầu châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh diễn ra quanh năm nhưng cao điểm từ tháng 5 đến tháng 8, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ em độ tuổi từ 2 đến 8 tuổi".
Chú ý lịch tiêm phòng của trẻ
Viêm não Nhật Bản được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (từ 25-35%). Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên bệnh có thể phòng bằng tiêm vaccine.
“Hiện nay, tuy đa số các trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng vẫn còn nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh do sức đề kháng kém, chưa tiêm vaccine phòng bệnh hoặc tiêm không đủ số mũi. Các bà mẹ có con lớn tuổi mắc viêm não Nhật Bản hầu hết đều cho rằng con đã được tiêm phòng 3 mũi đầy đủ đến 2 tuổi. Nhưng đây là quan niệm sai lầm khiến gia tăng trẻ lớn mắc bệnh”, TS.BS Nguyễn Văn Lâm cho biết.
Cũng theo TS. BS Nguyễn Văn Lâm, bệnh viêm não Nhật Bản thường có các triệu chứng đầu tiên của bệnh như: Sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn. Ngoài ra có thể có các biểu hiện của nhiễm virus nói chung như mệt mỏi, ớn lạnh. Những trường hợp bệnh nặng có thể có các biểu hiện: Co giật, giảm khả năng nhận thức, trẻ thay đổi tính nết, la hét, kích động hoặc sững sờ, không nhận ra bố mẹ, nói nhảm, hôn mê. Rối loạn vận động như liệt tay, chân hoặc nửa người, co cứng, xoắn vặn...
Theo đó, viêm não Nhật Bản là bệnh lây truyền qua đường máu do virus viêm não Nhật Bản gây nên. Trẻ mắc viêm não Nhật Bản do bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản. Virus viêm não Nhật Bản có trong các loài gia súc (như lợn, ngựa và chim) đây gọi là những vật chủ trung gian. Khi muỗi đốt các loài động vật có mang virus (vật chủ trung gian) sau đó đốt người sẽ truyền virus viêm não Nhật Bản sang người. Muỗi truyền viêm não Nhật Bản là muỗi Culex có thói quen hoạt động mạnh vào lúc chập tối. Loại muỗi này có mật độ cao ở vùng đồng bằng và trung du và là trung gian chủ yếu truyền bệnh viêm não Nhật Bản ở nước ta.
Bác sĩ khuyến cáo: Cách phòng tránh bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng bệnh. Hiện nay, vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Trẻ được tiêm mũi 1 khi đủ 12 tháng; mũi 2 sau mũi 1 từ 1-2 tuần, mũi 3 nhắc lại sau 1 năm. Sau đó, trẻ tiếp tục được tiêm nhắc lại 3 - 5 năm một lần đến khi trẻ đủ 15 tuổi.
Bên cạnh đó, cần cho trẻ ăn uống hợp vệ sinh, nâng cao thể trạng, nằm màn tránh muỗi đốt, giữ vệ sinh môi trường nơi ở thông thoáng, sạch sẽ.
“Viêm não Nhật bản là bệnh nặng, có thể diễn biến rất nhanh, tỷ lệ tử vong và di chứng cao do đó nếu trẻ có các biểu hiện nghi ngờ như sốt, đau đầu, buồn nôn, đặc biệt với trẻ có biểu hiện co giật, rối loạn ý thức cần cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, để giảm thiểu nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng về sau", TS.BS Nguyễn văn Lâm cảnh báo.