Các bệnh viện phải huy động mọi biện pháp để chống dịch sốt xuất huyết. |
Những ngày qua, khoa Vi rút- Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, gần như dành riêng cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Dù bệnh viện đã kê thêm giường ngoài hành lang, nhưng các bệnh nhân mới nhập viện vẫn phải tạm thời nằm ghép, chờ các bệnh nhân khác xuất viện và chuyển xuống tuyến dưới, mới có giường nằm.
Theo thống kê, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 600- 700 bệnh nhân đến khám vì sốt xuất huyết, số bệnh nhân phải nhập viện chiếm khoảng 20%, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, rất nhều ca đã diễn tiến nặng như: Sốc, xuất huyết não...
Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cũng đang phải "gồng mình", khi lượng bệnh nhân nhập viện điều trị tăng đột biến những ngày gần đây. Dù đã tăng cường thêm giường bệnh, nhưng bệnh nhân vẫn phải nằm ghép 2 -3 người/giường.
Theo TS.BS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai: “Từ đầu tháng 7 đến nay, số bệnh nhân đến khám tại bệnh viện đã tăng gấp đôi so với tháng 6. Hàng ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân, trong đó 20-30 bệnh nhân là các trường hợp nặng phải nhập viện. Bệnh viện đang phải huy động mọi nguồn lực để chống dịch”.
Bệnh nhân Trần Đăng Khánh (Đống Đa, Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: "Tôi bị sốt cao 40 độ trong suốt 5 ngày liền với các dấu hiệu li bì, đau đầu dữ dội và không ngủ được. Đến khám thì được chẩn đoán sốt xuất huyết và có dấu hiệu biến chứng nguy hiểm, phải nhập viện điều trị. Trong khu tập thể nhà tôi cũng đã có 2 người bị sốt xuất huyết. Mấy hôm nay tôi thấy bệnh nhân vào nhập viện vì sốt xuất huyết rất đông, bệnh nhân nằm cùng giường với tôi đã đỡ nhiều, vừa được chuyển xuống tuyến dưới, tôi mới tạm thời được nằm 1 mình 1 giường".
Theo TS.BS Nguyễn Kim Thư, Phó trưởng khoa Vi rút- Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương: Lượng bệnh nhân đến khám và nhập viện những ngày gần đây liên tục tăng. Mỗi ngày, khoa tiếp nhận điều trị khoảng từ 20- 25 bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Với số lượng bệnh nhân nhập viện quá đông, khoa đã phải kê tăng cường thêm 6 giường bệnh phía ngoài hành lang.
Cũng theo BS. Nguyễn Kim Thư, thường các bệnh nhân sốt xuất huyết phải nhập viện trong tình trạng có dấu hiệu cảnh báo biến chứng nguy hiểm, phải truyền dịch và theo dõi sát trong vòng 24 giờ, nên chưa thể chuyển tuyến ngay. Khi bệnh nhân có dấu hiệu ổn định, các ca nhẹ sẽ chuyển xuống tuyến dưới để tiếp tục điều trị.
“Để giảm tải trong đợt dịch này, bệnh viện đã phải tổ chức 9 phòng khám để tiếp nhận bệnh nhân sốt xuất huyết, thực hiện quyết liệt chuyển tuyến, tiến hành sàng lọc bệnh nhân ngay từ đầu. Với các bệnh nhân có dấu hiệu nhẹ hơn thì chúng tôi chuyển về điều trị tại các bệnh viện tuyến dưới như: Bệnh viện Đống Đa, Thanh Nhàn… Bên cạnh đó, các khoa khác cũng được huy động buồng, phòng để ưu tiện điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết, chuyển bớt các bệnh nhân điều trị mãn tính sang cơ sở 2 tại Đông Anh”, Ths.BS Vũ Minh Điền, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết.
Tình hình dịch sốt xuyết tại Hà Nội vẫn đang diến biến hết sức phức tạp. Tính đến thời điểm này, toàn thành phố đã có gần 6.700 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, tập trung chủ yếu tại các quận Đống Đa ( hơn 1.400 người), Hoàng Mai (gần 1.400 người), Hai Bà Trưng (hơn 500 người)…
Theo TS. Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội: Theo đúng chu kỳ như mọi năm thì từ tháng 9 đến tháng 11 mới là đỉnh dịch sốt xuất huyết tại miền Bắc. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dịch đã diễn biến hết sức phức tạp. Nguyên nhân là do năm nay thời tiết miền Bắc thay đổi thất thường, mùa hè đến sớm, không có rét tháng 3, nhuận hai tháng 6 âm lịch, nên mùa nóng kéo dài, lại mưa nhiều, khiến cho muỗi ades (là vec tơ truyền bệnh) sinh sôi rất mạnh. Bên cạnh đó, một số khu vực trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều công trình xây dựng, các nhà bỏ không, nhiều khu nhà trọ của công nhân lao động với điều kiện vệ sinh kém, môi trường không bảo đảm cũng là nguyên nhân phát sinh các ổ bọ gậy khó xử lý.
Nếu không kịp thời quyết liệt ngăn chặn, trong những tháng đỉnh điểm cuối năm 2017, dịch sốt xuất huyết sẽ còn diễn biến rất phức tạp, khó kiểm soát.