Với kinh nghiệm tổ chức Trung tâm Hồi sức người bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Trung ương Huế đã chuẩn bị sẵn các phương án thiết lập, chuyển đổi công năng cơ sở 2 (tại huyện Phong Điền) trở thành Trung tâm Hồi sức COVID-19 khu vực miền Trung.
Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, chia sẻ, công tác chuẩn bị của bệnh viện được thực hiện rất kỹ càng về nhân lực cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, hóa chất sinh phẩm và các loại thuốc men. Hiện tại, quy mô sử dụng giường bệnh thực kê là 800 giường, tuy nhiên, để phù hợp chức năng điều trị COVID-19, đơn vị sẽ tổ chức, sắp xếp lại các giường bệnh với khoảng 500-600 giường.
Theo đó, Trung tâm Cách ly và điều trị COVID-19 của đơn vị sẽ sắp xếp hợp lý để đảm bảo thu dung, điều trị được hàng trăm bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2 và F1 nặng có nhiều bệnh nền.
Thời gian qua, các máy móc công nghệ cao như thở máy, ECMO (hệ thống oxy hóa qua màng ngoài cơ thể), lọc máu liên tục, tim mạch can thiệp… đã được Bệnh viện Trung ương Huế sử dụng toàn diện trong quá trình điều trị các bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh và các tỉnh thành lân cận. Tuy nhiên, để đáp ứng điều trị cho nhiều ca bệnh nặng hơn nữa, cơ sở 2 của đơn vị cũng sẵn sàng trang bị thêm các trang thiết bị y tế hiện đại trong hồi sức cấp cứu.
Vừa qua, cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế đã tiếp nhận hỗ trợ từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam nhằm tăng cường năng lực cho đơn vị trong việc ứng phó với dịch COVID-19. Hàng loạt các thiết bị y tế như máy ECMO, máy thở, monitor, xe cứu thương và tủ lạnh âm sâu bảo quản vaccine… được lắp đặt tại đơn vị. Ngoài ra, dự án của JICA Việt Nam cũng sẽ tập huấn kỹ thuật sử dụng và quản lý thiết bị y tế từ xa đối với đội ngũ quản lý, vận hành thiết bị y tế của Bệnh viện Trung ương Huế.
Hiện nay, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 có khoảng 400-450 nhân viên y tế. “Khi số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 tiếp nhận tăng lên, đơn vị sẽ bổ sung, phân bổ nhân lực từ các cơ sở khác để hỗ trợ cơ sở 2 thực hiện nhiệm vụ thu dung, điều trị hồi sức các bệnh nhân COVID-19 trong khu vực” - Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Như Hiệp nhấn mạnh.
Hầu hết, các y bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế đều đã được đào tạo bài bàn qua các đợt tập huấn về kỹ thuật chuyên sâu hồi sức cấp cứu, kiểm soát nhiễm khuẩn, vật lý trị liệu, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng…
Là một điều dưỡng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm Cách ly và điều trị COVID-19 Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 thời gian qua, chị Nguyễn Thị Ngọc đã có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc, phục vụ và giúp đỡ tâm lý cho nhiều người bệnh để tạo điều kiện tốt nhất giúp họ vượt qua bệnh tật. Chị Ngọc chia sẻ, khi diễn biến dịch phức tạp hơn thì chị lại sẵn sàng tham gia chăm sóc những bệnh nhân mắc COVID-19. Đối với chị, tham gia chống dịch là nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng.
Qua nhiều đợt điều trị tại đơn vị cũng như vận hành hoạt động Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, đội ngũ y tế của Bệnh viện Trung ương Huế đã có nhiều kinh nghiệm trong điều trị cũng như phòng, chống nhiễm khuẩn.
Bác sỹ Hà Văn Quyết (Khoa bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2) cho biết, để hạn chế tiếp xúc và tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly, điều trị, đơn vị đã ứng dụng robot vận chuyển thực phẩm, thuốc men cũng như phân luồng bệnh nhân chặt chẽ ngay từ lúc vào viện đến lúc ra viện. Điều này góp phần giảm thiểu khả năng lây nhiễm, đảm bảo sức khoẻ cho nhân viên y tế và người bệnh trong cơ sở điều trị.
Ngoài ra, các kỹ thuật chuyên môn và công nghệ cao trong chữa trị bệnh nhân COVID-19 cũng đã được Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện thường xuyên, hiệu quả như telehealth hội chẩn từ xa, hội chẩn hồi sức cấp cứu từ xa, robot theo dõi bệnh nhân khi gặp sự cố để bám sát tình trạng sức khỏe các ca bệnh khi có vấn đề kịp thời.