Theo thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhân tên là Nguyễn Thị H. (32 tuổi, ở Thanh Hóa) bị khỉ nuôi của nhà hàng xóm cắn nát tay. Tại địa phương, con khỉ này cũng đã từng cắn 1 số người.
BS Đỗ Thị Ngọc Linh, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt – Tạo hình – Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Đây là lần đầu tiên Khoa tiếp nhận bệnh nhân bị khỉ cắn.
Theo đó, ngày 22/10, bệnh nhân H. vào viện trong tình trạng tỉnh táo, vết thương vùng cánh tay trái dài khoảng 15 cm, dập nát… Trước tình hình đó, các bác sĩ đã tìm và nối các nhánh thần kinh và cơ vùng cánh tay bị đứt, sử dụng kính hiển vi để nối các bó sợi thần kinh rất nhỏ. Hiện tại, vết thương vùng tay đã khô, bệnh nhân đã được ra viện và khám lại theo lịch hẹn của bác sĩ.
Tuy nhiên, theo BS. Linh, bệnh nhân khó có khả năng phục hồi phần cánh tay bị tổn thương do tổn thương quá nặng, tốc độ phục hồi thần kinh chậm. Bệnh nhân có khả năng giảm chức năng của cẳng và bàn tay trái; đặc biệt chức năng vận động của cẳng tay và bàn tay sẽ không bao giờ trở lại như bình thường.
Thời gian gần đây, từng xảy ra rất nhiều trường hợp chó nhà cắn người rất nguy hiểm, thậm chí gây tử vong; đặc biệt việc xuất hiện khỉ nuôi tại nhà gây thương tích cho người là điều đáng báo động cho các chủ vật nuôi cần có biện pháp nuôi nhốt, quản lý chặt chẽ thú nuôi trong nhà.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị vật nuôi trong nhà cắn, cào, liếm… cần ngay lập tức xử lý bằng cách rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch; đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.
Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.
Sau khi sơ cứu, người bị động vật nuôi cắn cần đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời; tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.