Theo dõi chặt thông tin biến chủng của virus SARS-CoV-2
Tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngày 23/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cảnh báo: “Hiện thế giới đang rất quan ngại về biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Theo ước tính và nhận định của các chuyên gia, biến chủng này có khả năng tăng tốc độ lây truyền lên tới 70%. Các nhà khoa học vẫn đang theo dõi chặt chẽ sự biến chủng của virus này. Các nhận định hiện nay cho thấy việc xuất hiện biến chủng mới này chưa có tác động đối với việc có khả năng ảnh hưởng đến vắc xin phòng COVID-19 hay không. Biến chủng này cũng không làm tăng tình trạng nặng của bệnh tật, chỉ làm tăng khả năng lây truyền”.
Theo đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo các Viện, cơ sở y tế tăng cường việc giải trình tự gen các mẫu bệnh phẩm, nhất là ở khu vực Châu Âu và ở những nước có biến chủng này để đánh giá khả năng lây truyền và khả năng xâm nhập vào Việt Nam. Đến thời điểm này, tại Việt Nam chưa phát hiện khu vực nào của Việt Nam có xuất hiện biến chủng đột biến này. Tuy nhiên nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam vẫn rất lớn, vì thế chúng ta không được chủ quan, lơ là; phải tăng cường quyết liệt hơn trong phòng chống dịch.
“Bộ Y tế quyết định từ hôm nay đến cuối năm sẽ là đợt cao điểm đẩy mạnh hoạt động phòng chống COVID-19 để đảm bảo người dân được hưởng dịp nghỉ Tết nguyên đán an toàn”- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Theo đó, Việt Nam cũng rất lo lắng về biến chủng mới này, tuy nhiên chúng ta cần phải hết sức bình tĩnh đối phó. Đặc biệt, mùa đông năm nay sẽ rất khốc liệt với các nước, nếu không phòng chống tích cực sẽ phải chịu nhiều hậu quả nặng nề.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu, trong bối cảnh dịch COVID-19 có thể xâm nhập bất cứ lúc nào, các địa phương phải chuẩn bị cho các tình huống xấu có thể xảy ra; phải tăng cường chuẩn bị, tập huấn cho nhân viên y tế, lên kế hoạch, chuẩn bị lấy mẫu diện rộng, tăng cường xét nghiệm, bảo đảm cơ sở điều trị trong trường hợp có COVID-19, phải khoanh vùng hay gia tăng người bệnh…
Đồng thời, công đồng, mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện tốt Thông điệp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Riêng với các cơ sở y tế, thời điểm từ nay đến cuối năm cần đặt việc thực hiện 5K là ưu tiên trọng tâm, đưa công tác phòng chống dịch lên mức cao nhất. Đồng thời, phải chú trọng xét nghiệm các đối tượng nghi ngờ theo quy định, tránh bỏ lọt những ca bệnh nghi ngờ tại cơ sở y tế.
Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc xin
Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực hết sức trong nghiên cứu thử nghiệm và sản xuất vắc xin phòng dịch COVID-19. Thành quả là Việt Nam đã chính thức có vắc xin Nano Covax đã đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Hiện các tình nguyện viên tiêm thử nghiệm ở giai đoạn 1 vắc xin này sức khoẻ ổn đinh, an toàn và vẫn đang được theo dõi chặt chẽ.
Bên cạnh vắc xin Nano Covax của Công ty NANOGEN, hiện Việt Nam còn 3 đơn vị cũng đang nghiên cứu và phát triển vắc xin phòng COVID-19 là: VABIOTECH, IVAC, POLYVAC. Dự kiến, ngày 1/3/2021, IVAC và VIBAOTECH cũng sẽ tiến hành thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19 trên người.
Song song với việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng COVID-19 trong nước, Bộ Y tế vẫn đang tìm kiếm nguồn vắc xin từ nước ngoài. Bộ Y tế đang hết sức nỗ lực cố gắng đàm phán với các công ty của các nước để có thể có vắc xin phòng bệnh sớm nhất cho người dân.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đến thời điểm này, vẫn chưa có vắc xin nào có hiệu quả bảo vệ lâu dài. Vì vậy, ngoài việc hướng tới tìm kiếm và chủ động nguồn vắc xin phòng bệnh, kể cả trong bối cảnh đã có vắc xin, biện pháp quan trọng nhất để khống chế dịch COVID-19 vẫn là triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, mỗi người dân phải chủ động thực hiện phòng dịch theo các khuyến cáo của Bộ Y tế.