Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho thấy: 6 tháng đầu năm 2017, trên toàn thành phố ghi nhận 2.898 trường hợp mắc sốt xuất huyết (trên 92% bệnh nhân đã khỏi bệnh, hiện chỉ còn 231 bệnh nhân đang điều trị), trong đó có 1 trường hợp tử vong tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa. Bệnh nhân có xu hướng tăng từ đầu tháng 5 đến nay, sớm hơn chu kỳ dịch hàng năm 3 tháng.
Nhân viên y tế phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) phát tờ rơi, hướng dẫn cộng đồng phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Bệnh nhân rải rác tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 304 xã, phường, thị trấn (chiếm 52% số xã, phường, thị trấn của Thành phố) nhưng chủ yếu tại các quận nội thành và các huyện như Thanh Trì, Thường Tín (trên 90% số bệnh nhân). Số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận chủ yếu tại các quận: Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Trì, Ba Đình. Trước tình hình trên, ngành y tế Hà Nội đã chủ động kiểm soát véc tơ truyền bệnh, vận động nhân dân hưởng ứng, phối hợp với ngành y tế để diệt muỗi, lăng quăng, loại bỏ các ổ nước đọng...
Cục Y tế dự phòng nêu rõ: Nước ta hiện lưu hành 4 tuýp vi rút sốt xuất huyết. Bệnh không có miễn dịch chéo nên một người có thể mắc nhiều tuýp. Miễn dịch của bệnh không bền vững suốt đời nên một người có thể mắc bệnh nhiều lần trong đời. Người bệnh cũng sẽ trở thành nguồn lây nếu muỗi đốt người bệnh rồi đốt sang người khỏe mạnh. Do đó, người dân không nên chủ quan với căn bệnh này.
Bộ Y tế khuyến cáo: Để tích cực phòng bệnh sốt xuất huyết cho bản thân, gia đình và cộng đồng, người dân phải đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần, người dân cần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; đồng thời cần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
Thêm vào đó, người dân nên mắc màn khi ngủ, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà...