Lựa chọn thực phẩm đảm bảo
Do nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong dịp Tết, đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt, chả, mứt, bánh kẹo, rượu, nước giải khát… của người dân tăng đột biến, thị trường thực phẩm Tết luôn là cơ hội cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng len lỏi đánh lừa người tiêu dùng. Vì vậy, người tiêu dùng nên cẩn thận khi chọn mua và sử dụng thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Nguyên tắc cơ bản là lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ; có ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ, không hỏng mốc và có mùi khó chịu.
Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, bánh kẹo nằm trong danh mục thực phẩm thường bắt buộc phải đảm bảo đủ các điều kiện về an toàn thực phẩm. Trong đó, sản phẩm khi lưu thông trên thị trường phải công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm tại cơ quan y tế có thẩm quyền. Vì vậy, khi lựa chọn mua bánh kẹo trong dịp Tết Nguyên đán, người tiêu dùng nên chọn mua các sản phẩm bánh kẹo đã được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (xem trên nhãn mác có ký hiệu: (số thứ tự), (năm cấp YT+tên viết tắt tỉnh, thành phố -XNCB).
Lựa chọn bánh kẹo của các thương hiệu uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh mua phải hàng nhái kiểu dáng, nhãn hiệu. Quan sát kỹ thông tin trên bao bì bánh kẹo (nơi sản xuất, ngày sản xuất, ngày hết hạn, thành phần, cách bảo quản sản phẩm). Khi mua giỏ quà cần chú ý chất lượng bánh kẹo bên trong, nên tự chọn bánh kẹo rồi nhờ chủ quán xếp thành giỏ quà.
Đối với thực phẩm rau, củ quả... tuyệt đối không nên chọn mua các loại củ đã mọc mầm, đặc biệt khoai tây mọc mầm rất độc, có thể gây ngộ độc cho người ăn. Đối với các loại thịt, cá không nên chọn những loại có mùi hôi thối. Riêng cá thì nên phân biệt đâu là mùi tanh tự nhiên, đâu là hiện tượng hôi tanh do cá bắt đầu phân hủy.
Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người tiêu dùng phải thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe. Người dân cũng cần chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng khi phát hiện các loại thực phẩm nghi ngờ là hàng nhái, hàng giả cũng như các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo ATTP để cơ quan chức năng có biện pháp kiểm tra, giám sát và kịp thời ngăn chặn.
Bảo quản thực phẩm đã chế biến
Tết đến, Xuân về là dịp đoàn viên, gia đình sum họp. Người dân thường có thói quen mua nhiều thực phẩm để sử dụng từ trước và bảo quản trong tủ lạnh trong dịp Tết. Việc bảo quản thực phẩm đã chế biến, để giữ được giá trị dinh dưỡng, mùi vị và an toàn tùy thuộc vào đặc tính của từng loại thực phẩm.
Các chuyên gia về dinh dưỡng cho hay, người tiêu dùng không nên trữ thức ăn quá nhiều trong tủ lạnh. Đối với các loại bánh được làm từ nếp thì bảo quản vào ngăn mát tủ lạnh, phần còn lại thì dùng màng che thực phẩm bao kín. Cần luộc, hấp lại hoặc rán trước khi ăn; không sử dụng các loại bánh bị mốc trắng, lên men, mùi chua…
Đối với giò chả thì bảo quản ở nhiệt độ thường, dưới 25 độ C. Khi bảo quản ngăn mát sẽ giữ được 4-6 ngày, nếu để ở ngăn đá giữ được khoảng 10 ngày. Với những món thịt chế biến sẵn như thịt kho, thịt đông… nên chia thành từng hộp nhỏ vừa đủ ăn từng bữa để bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Không nên ăn các món ăn đã được chế biến từ rau đã để qua đêm; không nên để thức ăn đã nấu chín trong môi trường nhiệt độ thường quá 2 giờ đồng hồ; đun nóng lại thức ăn thừa, để nguội trước khi đưa vào trong ngăn mát tủ lạnh. Thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh cần đựng vào hộp riêng, đậy nắp kín; bảo quản thực phẩm chín ở trên, thực phẩm sống ở dưới để tránh bị nhiễm chéo.