Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý y tế cho rằng: Cần đẩy mạnh thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; cần có cơ chế tài chính rõ ràng, minh bạch để tháo gỡ vướng mắc, giúp các cơ sở y tế mở rộng cung ứng dịch vụ cho người dân.
Thiếu thuốc, vật tư y tế phản ánh tình trạng thiếu cơ chế trong Luật hiện hành
Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sáng 20/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là Dự án luật quan trọng, định hướng hoạt động quản lý và sự phát triển bền vững của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế, hiện vẫn còn có ý kiến khác nhau.
Vì vậy Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tập trung cho ý kiến sâu hơn về cơ chế bảo đảm tinh thần "lấy người bệnh làm trung tâm" gắn với bảo đảm công bằng xã hội trong tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh; các quy định cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; định hình hệ thống y tế hiện đại, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh ở từng mặt, từng nội dung, từng khâu.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), các ĐBQH rất quan tâm đến vấn đề cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở khám chữa bệnh công lập, mà trước hết là tự chủ tài chính, hợp tác công tư, giá dịch vụ; vì vậy cần xem xét kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng và tính ổn định, dài hạn của Luật này khi được Quốc hội thông qua.
Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là một trong những dự án luật khó, nhưng được người dân rất quan tâm. Sau tác động nặng nề của dịch COVID-19 đã đặt ra nhiều vấn đề về y tế cơ sở, y tế dự phòng; các vấn đề liên quan đến tài chính y tế... Người dân trên cả nước đặt nhiều kỳ vọng sau khi Luật này được thông qua sẽ cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân và tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, yêu cầu đặt ra là phải giải quyết được cơ bản những bất cập, tồn tại hiện nay trong công tác khám bệnh, chữa bệnh; để khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ra đời sát thực tế, phù hợp và dễ triển khai.
Theo PGS. TS Phạm Lê Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, bản chất của dự thảo luật liên quan đến hoạt động của bệnh viện, là giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Gần đây nhất là ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW “về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”. Trong Nghị quyết này, có nói đến việc “tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế”.
“Nếu giá dịch vụ khám, chữa bệnh mà được tính đủ, thì bệnh viện có điều kiện phát triển hơn, được đầu tư đầy đủ, hoàn chỉnh để phục vụ công tác khám, chữa bệnh, cán bộ y tế chỉ tập trung cho chuyên môn…”, PGS. TS Phạm Lê Tuấn cho biết.
Về vấn đề tài chính y tế trong các đơn vị khám, chữa bệnh, thực tế đặt ra đây là nguồn thu của các đơn vị y tế để duy trì hoạt động thường xuyên của đơn vị; có nguồn tiết kiệm để đầu tư phát triển, đặc biệt là nâng cao nguồn thu của nhân viên y tế. Từ đó cho thấy giá dịch vụ y tế cần tiếp cận theo giá thị trường.
Có ý kiến cho rằng, ngân sách Nhà nước (NSNN) vẫn phải chủ đạo trong đầu tư hạ tầng của các đơn vị sự nghiệp y tế công, đầu tư mua máy móc trang thiết bị hiện đại. Dự thảo Luật cần đưa nội dung “tính đúng, tính đủ” (khấu hao, chi phí quản lý…); thanh toán viện phí theo từng trường hợp, từng người bệnh, kể cả trong dịch vụ y tế và bảo hiểm y tế. Từ đó góp phần đảm bảo không bị "vỡ" quỹ bảo hiểm…
Hệ thống bệnh viện phủ rộng toàn quốc hiện có 1.420 bệnh viện, phân theo tuyến, chủ yếu là công lập với 1.189 bệnh viện. Bệnh viện công đóng vai trò chủ chốt trong cung ứng dịch vụ y tế. Khó khăn, bất cập trong chính sách giá dịch vụ y tế hiện nay là chưa đảm bảo tính đủ, tính đúng chi phí, giá hiện tại chưa đủ bù đắp chi phí, không có chênh lệch để đầu tư phát triển.
Thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc và trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế đã diễn ra tại nhiều nơi, khiến người dân lo lắng. Đặc biệt trong bối cảnh COVID-19 vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp; cùng với đó dịch bệnh trên thế giới có thể xâm nhập vào Việt Nam như: Bệnh đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết, chân tay miệng và các loại bệnh nan y như tim mạch, ung thư, tiểu đường… vẫn luôn đe dọa sức khoẻ và tính mạng của nhân dân.
Giới chuyên môn cho rằng: Lĩnh vực cần có giải pháp cấp bách trong lúc này là đấu thầu, mua sắm thuốc, thiết bị y tế, sinh phẩm. Đề cập tới vấn đề này, PGS TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện thời gian qua cũng phản ánh tình trạng thiếu y tế tài chính, thiếu cơ chế trong Luật hiện hành.
“Trong hơn 2 năm chống dịch COVID-19, rất nhiều người dân, người bệnh không được đến các bệnh viện chuyên sâu như Bệnh viện Bạch Mai để khám chữa bệnh. Do vậy, sau khi dịch được kiểm soát, số lượng bệnh nhân từ các tuyến, các tỉnh dồn về bệnh viện này tăng đột biến, làm cho áp lực thiếu trang thiết bị, vật tư, thuốc trở nên trầm trọng hơn. Hầu như tất cả các giám đốc của các bệnh viện, các cơ sở y tế đều có tâm lý e ngại khi mua sắm. Bởi không có các văn bản pháp quy rõ ràng và tạo điều kiện cho việc mua sắm minh bạch, công khai nên các nhà quản lý không biết mình làm thế này đã đúng quy định pháp luật hay chưa?”, ông Đào Xuân Cơ cho biết.
Quy định chặt việc cấp chứng chỉ khám, chữa bệnh
Theo đại diện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề y không có thời hạn xác định. Do vậy đã xảy ra tình trạng người được cấp chứng chỉ hành nghề không còn đủ khả năng, điều kiện để hành nghề thì lại cho thuê chứng chỉ hành nghề của mình. Qua kiểm tra, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phát hiện có những trường hợp đã ra nước ngoài từ lâu nhưng vẫn có tên đăng ký hành nghề y tại Việt Nam.
Hoặc có những trường hợp dù mắc bệnh nặng, không thể trực tiếp khám, chữa bệnh, thậm chí là nằm liệt giường, nhưng vẫn tiếp tục có tên trong danh sách đăng ký hoạt động khám, chữa bệnh. Do đó, một số ý kiến cho rằng: Nên sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong việc cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn cho từng chức danh tương ứng. Ví dụ, với bác sỹ có thể thời hạn của chứng chỉ hành nghề là năm năm; điều dưỡng, hộ sinh có thể là ba năm và được xem xét gia hạn khi vượt qua các kỳ sát hạch sau đó.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), ngoài Việt Nam, hiện chỉ còn một vài nước cấp chứng chỉ hành nghề không xác định thời hạn cho nhân viên y tế. Việc không xác định thời hạn khiến cho người hành nghề y không có ý thức nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Trong khi thực tế đòi hỏi bác sỹ phải luôn cập nhật các kỹ thuật mới, các tiến bộ của y học để đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh.
"Việc cấp chứng chỉ hành nghề hiện mới chỉ được tiến hành trên giấy tờ mà không qua một kỳ sát hạch cụ thể, không thể đánh giá đúng năng lực thực chất của người hành nghề y. Cần có một kỳ thi do Hội đồng Quốc gia trực tiếp sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ này có giá trị trên toàn quốc. Ngoài ra, Luật cũng cần có quy định thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với những người không hành nghề trong hai năm liên tiếp hoặc không tham gia các chương trình đào tạo liên tục hay có sai sót chuyên môn nghiêm trọng”, ông Nguyễn Huy Quang cho biết.
"Chúng ta phải khẳng định với nhau một điều là, Luật Khám bệnh, chữa bệnh là một luật khó lại, diễn được đưa ra trong bối cảnh ngành Y có rất nhiều vấn đề phải xử lý. Trong khi đó, vấn đề mong muốn của đại biểu Quốc hội là làm sao luật này nếu được ban hành thì phải giải quyết được những vấn đề mà ngành Y hiện đang gặp phải", Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết.
Người đứng đầu Bộ Y tế cũng cho biết, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được đưa ra bàn trong bối cảnh Quốc hội và Chính phủ cũng đang sửa đổi rất nhiều luật khác. Do vậy, có những vấn đề xử lý trong luật này và có những vấn đề phải xử lý đồng hành trong những luật khác. Đơn cử như vấn đề đấu thầu, giá, bởi ngoài giá khám, chữa bệnh, đấu thầu quy định trong ngành y, có những nguyên tắc, nguyên lý của Luật Giá, Luật Đấu thầu.
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 chương, 106 điều. Trong đó quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người bệnh (9 điều); người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (25 điều); cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (11 điều); các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh (22 điều); khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền (3 điều); áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh (2 điều)...