Bệnh nhân là ông Nguyễn Văn N. (50 tuổi, ở Cần Thơ).
Trước đó, ngày 4/11, ông N được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, phải đặt ống nội khí quản, xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Tại Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân N hôn mê nặng nhất, có nguy cơ tử vong nên chuyển viện lên bệnh viện tuyến trên là Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ để cấp cứu.
Khi nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, bệnh nhân N vẫn còn thở máy, dùng thuốc vận mạch, gọi mở mắt được. Tiến hành cấp cứu, qua hội chẩn các bác sĩ quyết định can thiệp động mạch vành cấp cứu để cứu sống bệnh nhân.
Kết quả chụp mạch vành, các bác sĩ phát hiện mạch vành bệnh nhân hẹp rất nặng (95-99%) ở cả 3 nhánh động mạch vành. Sau khi thực hiện can thiệp động mạch vành 2 nhánh (nhánh thứ 1 và thứ 2) huyết động bệnh nhân vẫn chưa ổn định. Lập tức, các bác sĩ tiếp tục can thiệp nhánh động mạch vành thứ 3 thì huyết động bệnh nhân mới ổn định.
Sau khi được can thiệp động mạch vành, bệnh nhân tiếp xúc được, ngưng thở máy. Đến tối 4/11, sau 6 giờ cấp cứu, bệnh nhân được rút ống nội khí quản nói chuyện được. Đến chiều 5/11, bệnh nhân N đã ngồi dậy, nói chuyện được và ăn uống bình thường. Bệnh nhân tiếp tục nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Bác sĩ Trần Chí Dũng cho biết, trường hợp của bệnh nhân N động mạch vành hẹp rất nặng ở cả 3 nhánh được cứu sống là một ca khó và rất hiếm gặp. Bởi theo bác sĩ Dũng, để cứu sống bệnh nhân, các bác sĩ can thiệp vừa can thiệp động mạch vành, bệnh nhân vừa thở máy và phải hạn chế lượng thuốc cản quang ở mức tối thiểu nhất, cân bằng lượng dịch xuất nhập của bệnh nhân trong quá trình can thiệp.