Các nhà nghiên cứu đã theo dõi sức khỏe của 19,1 triệu người từ 18 tuổi trở lên sống tại 200 quốc gia trong giai đoạn 1975- 215, qua đó họ nhận thấy số người trưởng thành bị huyết áp cao đã tăng từ 549 triệu lên 1,1 tỷ người.
Các nước có thu nhập thấp và trung bình tại khu vực phía Nam sa mạc Sahara ở châu Phi, Nam Á cùng một số quốc đảo Thái Bình Dương là những nơi ghi nhận số ca mắc chứng bệnh này tăng cao nhất, trong khi các nước có thu nhập cao như Australia, Canada, Đức, lại ghi nhận các mức giảm ấn tượng.
Chỉ tính riêng năm 2015, hơn một nửa số ca cao huyết áp - khoảng 590 triệu người - sống tại Đông, Đông Nam và Nam Á, trong đó có 226 triệu người sống tại Trung Quốc và 199 triệu người tại Ấn Độ. Khoảng 1/3 nữ giới tại hầu hết các nước Tây Phi và 1/3 nam giới tại một số quốc gia Trung và Đông Âu cũng mắc chứng bệnh nguy hiểm này.
Trong khi đó, Australia, Canada, Đức, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore và Peru lại ghi nhận số người trưởng thành bị cao huyết áp giảm xuống mức thấp nhất với tỷ lệ chưa đầy 1/8 ở nữ giới và 1/5 ở nam giới.
Chủ nhiệm công trình nghiên cứu, Giáo sư Majid Ezzati thuộc trường Đại học Hoàng gia London cho biết cao huyết áp là tác nhân hàng đầu gây bệnh đột quỵ, đau tim, suy thận và mất trí nhớ, đồng thời khiến 7,5 triệu người trên thế giới tử vong mỗi năm.
Xét trên cấp độ toàn cầu, chứng bệnh này không còn là một vấn đề của các nước phương Tây hay các nước giàu, mà trở thành vấn đề của người dân toàn thế giới, kể cả tại các quốc gia nghèo nhất.
Giáo sư Ezzati cũng nhấn mạnh rằng nếu không ban hành các chính sách hiệu quả giúp những nước nghèo nhất cải thiện chất lượng bữa ăn của người dân, cụ thể là bằng cách giảm lượng muối nạp vào cơ thể, tăng cường ăn hoa quả và rau xanh, thì khó có thể đạt được mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong việc giảm 25% số ca bệnh cao huyết áp từ nay tới năm 2025.
Theo tiêu chí đánh giá của WHO, huyết áp được coi là cao khi tăng đến ngưỡng từ 140/90 trở lên.