Hội thảo có sự tham gia của trên 900 đại biểu là lãnh đạo, bác sỹ, kỹ sư công nghệ thông tin… đang công tác tại các bệnh viện đa khoa, các đơn vị y tế trên phạm vi toàn quốc.
Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo các bệnh viện đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện bệnh án điện tử, những ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống liên thông dữ liệu… trong công tác khám chữa bệnh.
Qua trao đổi kinh nghiệm và những chia sẻ của các bệnh viện tại hội thảo phần nào cũng đã giúp cho bệnh viện củng cố và hoàn thiện hơn nữa các vướng mắc còn lại từ việc triển khai bệnh án điện tử của bệnh viện.
Việc triển khai bệnh án điện tử cùng với triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử giúp cho ngành y tế có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác, minh bạch, giúp cho việc quản lý chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, hạn chế lạm dụng thuốc và xét nghiệm
Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học y tế cho biết, đến nay cả nước mới có 94 cơ sở khám, chữa bệnh công bố đã triển khai bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy, trong đó có 32 bệnh viện hạng 1; 44 bệnh viện hạng 2, 3; 4 phòng khám và 14 bệnh viện tư nhân.
Theo lộ trình quy định tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế, đến hết năm 2023, phải có 135 bệnh viện hạng 1 triển khai bệnh án điện tử thành công và khuyến khích các cơ sở khám chữa bệnh khác triển khai. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ thực hiện theo Thông tư số 46/2018/TT-BYT mới chỉ đạt 23,7% (32/135) chỉ tiêu đề ra.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Quý Tường cho biết nguyên nhân dẫn đến nhiều tuyến bệnh viện triển khai bệnh án điện tử chậm là do các bệnh viện chưa thực sự quyết liệt trong việc này, còn trông chờ sự chỉ đạo của cấp trên.
Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử làm thay đổi thói quen, nề nếp làm việc truyền thống sang quy trình làm việc mới, khoa học hơn nên cũng còn trở ngại…
Trong khi đó, nhiều đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến bảo hiểm, chữ ký của người bệnh vẫn phải ký tươi như: bảng kê thanh toán ra viện; bản cam kết của người bệnh; phiếu công khai thuốc, dịch vụ khám chữa bệnh; phiếu cam kết phẫu thuật…
Đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, hiện bệnh viện chưa có sự kết nối, liên thông, chia sẻ giữa các thông tin, dữ liệu của ngành y tế, dẫn đến các cơ sở dữ liệu còn phân tán, ...
Công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin của các hệ thống thông tin triển khai tại các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, do chưa được quan tâm, do thiếu cán bộ chuyên trách có trình độ, năng lực và chuyên nghiệp. Thiếu kinh phí để đầu tư triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (kết cấu chi phí đầu tư công nghệ thông tin chưa được cơ cấu vào giá dịch vụ y tế).
Tại hội thảo, các đơn vị kiến nghị Bộ Y tế cần hoàn thiện cơ chế chính sách, đặc biệt là quy định về chi phí công nghệ thông tin, giá thành khi triển khai hệ thống truyền và lưu trữ hình ảnh (PACS) để đẩy nhanh triển khai bệnh án điện tử trên cả nước; đề xuất xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật của phần mềm bệnh án điện tử như: Cấu trúc bệnh án điện tử theo tiêu chuẩn quốc tế (HL7), xác lập mã định danh y tế (ID) để triển khai bệnh án điện tử thống nhất; các giải pháp ứng dụng chữ ký điện tử, chữ ký số trong bệnh án điện tử; Các giải pháp kỹ thuật và giải pháp xã hội để thực hiện thanh toán viện phí điện tử…
Việc tổ chức hội thảo mang tầm toàn quốc lần này tập trung nội dung chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật kiến thức về bệnh án điện tử và các vấn đề liên quan, đồng thời tìm kiếm giải pháp tối ưu, hiệu suất cao thúc đẩy triển khai bệnh án điện tử theo quy định của Bộ Y tế.