Tham dự có trên 700 đại biểu là các chuyên gia khoa học quốc tế và trong nước, các nhà quản lý, các cán bộ y tế trong toàn quốc.
Hội nghị được tổ chức gồm một phiên toàn thể và 20 phiên chuyên đề với hơn 110 bài báo cáo. Một số báo cáo của các chuyên gia nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm và ứng dụng khoa học trong điều trị ung thư như: "Vai trò của thuốc ức chế CDK4/6 trong điều trị bệnh nhân ung thư vú tiền mãn kinh di căn tiến xa" của Giáo sư Wolfgang Janni (Đức); "Hiệu quả điều trị của các thuốc mới cho bệnh nhân ung thư buồng trứng và phẫu thuật xâm lấn tối thiểu trong ung thư cổ tử cung, những loại ung thư phụ khoa thường gặp ở phụ nữ" của bác sĩ Peter Christopher Why Lim (Trường Y khoa của Đại học Nevada, Mỹ)...
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị, lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố và cơ sở y tế tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm; phát huy hiệu quả các kỹ thuật, công nghệ mũi nhọn trong chẩn đoán và điều trị. Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các cơ sở y tế kiện toàn mạng lưới điều trị khắp cả nước, hướng tới điều trị và chăm sóc toàn diện cho người bệnh; tích cực hơn nữa trong công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh, bệnh viện tuyến dưới.
Các cơ sở y tế cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt kỹ thuật, công nghệ mới để ứng dụng trong phòng, chống ung thư tại Việt Nam; đẩy mạnh truyền thông, giáo dục sức khỏe về các biện pháp dự phòng và sàng lọc, phát hiện sớm bệnh ung thư theo các khuyến cáo trong nước và quốc tế. Mạng lưới phòng, chống ung thư quốc gia cần hoạt động mạnh mẽ hơn, tham mưu, đề xuất Bộ Y tế, Chính phủ xây dựng kế hoạch phòng, chống ung thư với định hướng từ 10 - 20 năm tới; trước mắt, đảm bảo đạt các chỉ tiêu trong kiểm soát ung thư đến năm 2025.
Bà Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho rằng, sau 4 lần tổ chức, Hội nghị lần này đã chứng tỏ sự phát triển về năng lực khám, chữa bệnh và nghiên cứu khoa học của ngành Y tế Đà Nẵng. Hội nghị nhằm thông báo, tổng kết, đánh giá các kết quả hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, những thành tựu mới trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, khám chữa bệnh và phòng, chống ung thư; tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên ngành y tế thành phố có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về các kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật với các đồng nghiệp trên toàn quốc và với các báo cáo viên quốc tế. Qua Hội nghị, các đại biểu sẽ có những định hướng điều trị mới, nghiên cứu phù hợp, thông tin mới trong khám, chữa bệnh ung thư; góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ung thư, phục vụ tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Theo Bộ Y tế, mỗi năm tại Việt Nam có trên 120.000 ca ung thư mới được phát hiện và trên 75.000 bệnh nhân qua đời vì căn bệnh này. Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 91/185 về tỷ suất mắc mới và thứ 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người. Theo số liệu từ điều tra toàn quốc về gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam cho thấy, 74,3% gánh nặng bệnh tật là do các bệnh không lây nhiễm; trong đó, ung thư là một trong 10 nguyên nhân bệnh tật hàng đầu.