Chủ động phòng, chống dịch chồng dịch

Dịch bệnh do virút Zika đang diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt là tại Singapore. Trong khi đó, dịch sốt xuất huyết lại đang “nóng” ở một số tỉnh miền Nam, miền Trung và khu vực Tây Nguyên. Đây là vấn đề rất đáng quan ngại vì cả 2 dịch bệnh này đều có chung véc tơ truyền bệnh là muỗi vằn. PGS.TS Trần Đắc Phu (ảnh), Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về các giải pháp để phòng chống dịch sốt xuất huyết và dịch bệnh do virút Zika.

Dịch bệnh do virút Zika đang rất “nóng” ở Singapore và nhiều quốc gia trên thế giới, ông đánh giá như thế nào về nguy cơ lây lan dịch bệnh này tại Việt Nam trong thời gian tới?

Từ lâu, virút Zika đã lưu hành tại nhiều nước trên thế giới và tại khu vực châu Á. Tại Việt Nam, đến nay, đã phát hiện 3 ca nhiễm virút Zika, đây là những ca đơn lẻ trong cộng đồng và không phải là ca xâm nhập (không đi từ vùng có dịch về hoặc tiếp xúc, lây lan từ người mắc bệnh). Điều đó chứng tỏ, như nhiều quốc gia khác, tại Việt Nam cũng đã có sự lưu hành của virút Zika. Để đánh giá mức độ lưu hành của virút Zika trong cộng đồng, ngay sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, ngành y tế đã tập trung giám sát các ca bệnh. Đến nay, các Viện, Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố đã xét nghiệm trên 2.500 mẫu bệnh phẩm.

Mới đây, sau khi dịch bệnh do virút Zika bùng phát mạnh tại Singapore, Bộ Y tế đã phối hợp với các tổ chức y tế quốc tế họp, đánh giá nguy cơ và nhận định tới đây, nước ta có thể tiếp tục ghi nhận thêm ca bệnh nhiễm virút Zika. Nguyên nhân, Việt Nam đã lưu hành virút Zika trong cộng đồng; trong khi đó, muỗi vằn cũng truyền bệnh sốt xuất huyết và bệnh dịch này lại đang có xu hướng gia tăng trong mùa mưa. Sự giao lưu đi lại thuận lợi giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng là một trong những yếu tố có thể làm gia tăng các trường hợp bị nhiễm virút Zika sau khi từ các nước trong khu vực trở về, nhất là tại Singapore.

Sắp tới, tại miền Bắc, ổ dịch sốt xuất huyết vẫn có thể xuất hiện rải rác nhưng không đáng ngại, nhất là tại Hà Nội. Nhưng ở miền Nam, miền Trung, tình hình dịch bệnh đáng quan ngại hơn, nhiều địa phương hiện mới bước vào mùa mưa, trong khi muỗi vằn truyền bệnh thường phát triển mạnh trong thời điểm này.


Singapore, đất nước sạch nhất thế giới, lại bùng phát dịch Zika và chỉ trong một thời gian rất ngắn; trong khi chủng virút này cũng chính là chủng virút đang lưu hành tại Việt Nam. Liệu có phải virút Zika đã biến chủng không, thưa ông?

Các nghiên cứu tại thời điểm này cho thấy, virút Zika chưa có sự biến chủng. Việc dịch bệnh bùng phát tại Singapore có thể do liên quan đến khả năng miễn dịch của cộng đồng.


Tới đây, ngành y tế sẽ có giải pháp gì để cùng các địa phương “đối phó”, ngăn chặn không để cả hai dịch bệnh bùng phát, thưa ông?

Để chủ động phòng chống, không để dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng, Bộ Y tế đã chủ động ban hành các văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch tại các địa phương, chú trọng triển khai các chiến dịch diệt loăng quăng (bọ gậy).

Về phía Bộ Y tế, công tác giám sát ca bệnh, giám sát virút Zika tiếp tục được đẩy mạnh. Bộ Y tế cũng phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur cập nhật hướng dẫn giám sát nhằm tăng khả năng phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm virút Zika tại cộng đồng; đồng thời, triển khai sử dụng test chẩn đoán Trioplex do Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Hoa Kỳ) hỗ trợ, để giám sát sàng lọc đồng thời 3 bệnh Zika, sốt xuất huyết, Chikungunia, nhằm phát hiện nhanh các trường hợp mắc bệnh nghi ngờ để có thể tổ chức phòng, chống, xử lý ổ dịch và ngăn chặn lây lan...

Đặc biệt, Bộ Y tế và các địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, để người dân chủ động phòng dịch bệnh nhưng không gây hoang mang lo lắng. Tuy nhiên, thời điểm này, những phụ nữ có thai hoặc có ý định mang thai thì không nên đi đến vùng có virút Zika vì có thể gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.

Xin cảm ơn ông!

“Chúng tôi đã trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới về vấn đề virút Zika có thể sống và gây bệnh trong nước mắt người. Tuy nhiên, thông tin nhận được cho thấy: Khi giám sát trên nước mắt chuột, các nhà khoa học thấy có đoạn gen sống của virút Zika, chưa xác định được trên nước mắt người. Đây là vấn đề đang được các nhà khoa học Mỹ tiếp tục nghiên cứu. Như vậy, đến nay, đường lây chính của dịch bệnh do virút Zika vẫn là qua muỗi vằn và qua đường tình dục”.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng


Phương Liên (thực hiện)
Singapore phát hiện thêm 9 ca nhiễm virus Zika
Singapore phát hiện thêm 9 ca nhiễm virus Zika

Bộ Y tế và Cơ quan Môi trường quốc gia (NEA) Singapore cho biết trong ngày 8/9 đã có thêm 9 ca nhiễm virus Zika do lây truyền trong nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN