Huyện Lục Ngạn là một trong những địa phương có nhiều xã, thôn bị ngập lụt, chia cắt sau bão số 3. Tại xã Phượng Sơn, sau bão số 3, toàn xã có 15 thôn bị ngập lụt với 875/1134 hộ bị ảnh hưởng. Hiện nước ở các thôn bị ngập đã rút. Ngay sau nước rút, cán bộ Trạm Y tế xã cùng các hộ dân dọn dẹp rác thải, hướng dẫn bà con triển khai biện pháp xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh. Trạm Y tế xã cấp cho mỗi gia đình 50gram Cloramin B để vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hợp, ở xã Phượng Sơn trước đây vẫn dùng nước giếng khơi để sinh hoạt. Sau lũ, nước bị nhiễm bẩn không sử dụng được nên trong những ngày qua, gia đình bà đều dùng nước mưa thay thế. Nước rút, cán bộ y tế xã đến cấp Cloramin B, hướng dẫn gia đình cách khử trùng nguồn nước, bảo đảm có nước sạch nấu ăn và sinh hoạt.
Tại huyện Yên Dũng, những ngày qua, do nước trên sông Lục Nam dâng cao tràn qua đê khiến các xã Trí Yên và Lãng Sơn bị ngập úng nặng sau bão. Xã Trí Yên có 7 thôn bị ngập úng, đến nay, một số thôn nước bắt đầu rút, còn 3 thôn: Long Sơn, Đức Thịnh, Tân Phượng vẫn bị chia cắt, cô lập. Tại xã Lãng Sơn, cả xã có 6 thôn bị ngập úng, trong đó thôn Mỹ Tượng bị cô lập hoàn toàn, với 135 hộ bị ảnh hưởng.
Bác sĩ Nguyễn Văn Huấn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng cho biết, từ ngày 9/9 đến nay, Trung tâm, Trạm Y tế các địa phương có các thôn bị ngập đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn bà con phòng, chống dịch bệnh, xử lý môi trường, xử lý nguồn nước trong và sau lũ.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang, tại các vùng nước đã rút hay đang ngập lụt đều có thể có nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm. Bởi trong và sau lũ lụt có nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Hơn nữa, mưa và ngập lụt là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus và trung gian truyền bệnh sinh sôi phát triển, gây bệnh cho con người.
Các bệnh truyền nhiễm trong và sau thời gian mưa lũ người dân có thể mắc phải như, tiêu chảy, đau mắt đỏ, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết. Các bệnh này phần lớn chủ yếu liên quan nguồn nước và thực phẩm sử dụng bị ô nhiễm, dễ bùng phát thành dịch nếu không được kiểm soát sớm, hiệu quả.
Ông Lê Tiến Cương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang cho biết, đến ngày 17/9, theo báo cáo của các Trung tâm Y tế huyện và kết quả các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ của Trung tâm chưa ghi nhận dịch bệnh xảy ra. Rải rác xuất hiện một vài trường hợp đau mắt đỏ, tiêu chảy ở một số xã của huyện Yên Thế; một ca sốt xuất huyết Dengue ở Hiệp Hòa và một ca ở Việt Yên. Bước đầu điều tra chưa thấy các ca sốt xuất huyết này liên quan đến vùng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Để bảo đảm sức khỏe người dân, phòng ngừa dịch bệnh phát sinh sau lũ, Sở Y tế Bắc Giang thành lập nhiều đoàn công tác đến các địa phương kiểm tra, hướng dẫn và hỗ trợ triển khai biện pháp xử lý, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh. Ngành Y tế phân bổ 3,6 tấn Cloramin B, một nghìn đôi găng tay y tế, 200 viên khử khuẩn và 10 lít thuốc diệt muỗi cho Trung tâm Y tế các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Dũng, Hiệp Hòa và một số bệnh viện tuyến tỉnh.
Từ ngày 11/9 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang tổ chức 9 đoàn công tác đến nhiều địa bàn bị ngập nước của 6 huyện (Việt Yên, Yên Thế, Lạng Giang, Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lục Ngạn) để hướng dẫn công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho nhân viên y tế và người dân.
Trung tâm đẩy mạnh tuyên truyền biện pháp phòng, chống dịch sau lũ; xây dựng nội dung tờ tơi, file MP3 (âm thanh) tuyên truyền phòng, chống dịch sau mưa lũ cho đơn vị tuyến huyện. Đồng thời, điều chuyển và cấp phát hóa chất CloraminB và vật tư y tế từ nguồn phòng, chống dịch phục vụ công tác phòng, chống dịch, ứng phó bão số 3 và mưa lũ; làm thủ tục điều chuyển hàng viện trợ từ Văn phòng WHO khắc phục hậu quả sau bão số 3 năm 2024 tới các địa bàn bị ảnh hưởng.
Tùy diễn biến thời tiết và mức độ nước rút ở các địa bàn trong tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang tiếp tục triển khai các giải pháp trên để phòng ngừa dịch bệnh sau mưa lũ theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Những ngày tới, đơn vị tiếp tục tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ tại một số điểm bị ảnh hưởng khác tại các huyện Lục Nam, Sơn Động, Yên Thế, Việt Yên. Cùng với đó, tăng cường chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã giám sát ca bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh, chủ động phát hiện ca bệnh nghi ngờ, xử lý và khoanh vùng sớm ổ dịch nhỏ lẻ (nếu có), không để dịch bùng phát trên diện rộng, Lê Tiến Cương nhấn mạnh.