Sự sống đến khi hy vọng sắp tắt
Mùng 6 Tết, trong căn phòng đặc biệt - Buồng hậu phẫu sau ghép phổi tại Bệnh viện Phổi Trung ương, cô gái trẻ P.A.T (21 tuổi) đã có thể tỉnh táo, được nhân viên y tế đỡ ngồi dậy, cô mỉm cười, cử động nhẹ nhàng.
“Con đang hồi phục rất tốt đấy”, câu động viên của bác sĩ trưởng kíp trực khiến cô gái thêm mạnh mẽ hơn.
“Con sẽ cố gắng ạ…”, cô khẽ thì thào, ánh mắt đầy hy vọng.
Nét tươi tắn của cô gái trẻ như đã trở về sau cuộc hồi sinh kỳ diệu nhờ được ghép lá phổi từ người chết não tặng lại. Trong sự sống nảy nở của mùa xuân, cô gái ấy cũng được sống thêm một cuộc đời mới.
“Nếu không có lá phổi ghép, có lẽ cô bé này chỉ có thể duy trì sự sống được vài tháng nữa; đã có những lúc bệnh nhân tưởng chừng không qua khỏi, luôn phải được hỗ trợ hồi sức trong những đợt cấp. Rất may mắn, khi hy vọng đang sắp tắt thì cơ hội cứu chữa đã tới, khi có người chết não hiến tạng, các chỉ số hoàn toàn phù hợp, bệnh nhân đã nhận được lá phổi tuyệt vời từ người hiến. Món quà ngày cuối cùng của năm cũ cũng là món quà đầu năm mới, là tương lai rộng mở cho cô gái trẻ”, Ths.BSCKII Nguyễn Viết Nghĩa, Phó trưởng khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Phổi Trung ương vui mừng chia sẻ về ca ghép thành công.
Clip BSCKII. Nguyễn Viết Nghĩa, Trưởng ekip Gây mê Hồi sức ca ghép phổi, chia sẻ:
Theo BSCKII. Nguyễn Viết Nghĩa, ekip phẫu thuật đã “thở phào” khi chỉ sau 18 tiếng ghép, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy và tự xúc sữa uống. Quá trình theo dõi hậu phẫu nghiêm ngặt từ ngày thứ 2, ngày thứ 3, cho đến hiện tại đã là ngày thứ 5, các thông số về huyết động, về trao đổi oxy, chỉ số viêm của bệnh nhân đều rất an toàn.
Lá phổi mới của bệnh nhân đã hoạt động rất tốt, bệnh nhân thở dễ hơn, lá phổi mới đã giúp chức năng hô hấp của người bệnh tốt lên rất nhiều. Bệnh nhân đang trong quá trình hồi phục với hy vọng những ngày tới, chức năng sinh hoạt của người bệnh sẽ dần dần trở về bình thường.
Chứng kiến con hồi phục ngoạn mục sau những giờ phút cực kỳ căng thẳng suốt 5 ngày qua, mẹ của bệnh nhân P.A.T vẫn còn chưa hết xúc động: “Gia đình tôi không biết nói gì hơn ngoài lòng biết ơn sâu sắc đối với tập thể các y bác sĩ đã nỗ lực cho ca ghép thành công, gia đình tôi tôi vô cùng biết ơn gia đình người hiến tạng, đã tặng cho con tôi lá phổi, tặng lại sự sống để cháu viết tiếp những trang sau của cuộc đời”.
“Trước khi được ghép phổi, tình trạng sức khỏe của cháu tồi tệ đến mức mỗi lần nhập viện đều phải đi bằng xe cấp cứu vì không có oxy là cháu không thở được. Có lúc tôi đã tưởng như hết hy vọng, tưởng như sẽ phải mất đi đứa con gái của mình. Tôi đã từng phải nghĩ đến những khoảnh khắc đau buồn nhất để tập đối mặt. Nhưng niềm vui đã đến thật bất ngờ, khi con tôi được nhận lá phổi hiến tặng. Vậy là con tôi đã được sống, đã có thể tiếp tục theo đuổi những ước mơ còn dang dở của mình”, mẹ bệnh nhân nghẹn ngào gạt những giọt nước mắt vui mừng.
Những giây phút cân não, nín thở
Đúng ngày 30 Tết vừa qua, Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với các chuyên gia về tim mạch Bệnh viện E, GS.TS. Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện thành công ca ghép phổi cho bệnh nhân P.A.T, được ghép 2 lá phổi từ người cho là nam thanh niên 26 tuổi bị chết não do tai nạn giao thông. Hoạt động lấy tạng được thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, sau đó tạng phổi được bảo quản nghiêm ngặt và chuyển về Bệnh viện Phổi Trung ương để thực hiện ghép ngay trong ngày.
Bệnh nhân nhận tạng là cô gái trẻ P.A.T, là sinh viên của một trường đại học nhưng phải bỏ giữa chừng vì không may mắc bệnh phổi giai đoạn cuối, người bệnh phải thở oxy dài hạn tại nhà, luôn cần người hỗ trợ cho các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Cô gái trẻ không may mắc bệnh lý u cơ trơn bạch huyết ở phổi (LAM) hay còn gọi là bệnh phổi đục lỗ, là một bệnh hiếm gặp và thường xảy ra ở phụ nữ trẻ. Bệnh lý này tạo các kén khí trong phổi, lan toả và làm mất chức năng phổi. Tình trạng người bệnh rất nặng, khả năng tử vong trong vòng vài tháng tới nếu không được ghép phổi.
Người bệnh đã được quản lý, theo dõi tại Bệnh viện Phổi Trung ương từ năm 2020, và chờ ghép phổi từ vài tháng nay vì 2 lá phổi đã tổn thương nghiêm trọng, tình trạng suy hô hấp nặng, tiên lượng tử vong cao.
May mắn, vào khoảng 13 giờ ngày 8/2/2024 (đúng ngày 29 Tết), sau khi nhận được thông tin có phổi hiến từ Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bệnh viện Phổi Trung ương đã kích hoạt khẩn cấp Chương trình ghép phổi và tổ chức hội chẩn lựa chọn người bệnh được nhận tạng ngay trong đêm.
Bệnh viện Phổi Trung ương đã huy động khoảng 80 nhân lực tại bệnh viện trực tiếp tham gia, và nhiều nhân lực khác sẵn sàng điều động, và làm việc trực tuyến, đồng thời có sự phối hợp và hỗ trợ từ Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện 108, Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Tim Hà Nội...
Sau khi hội chẩn với GS. Jasleen Giám đốc trung tâm ghép phổi UCSF (là Trung tâm y học uy tín lớn nhất miền Tây, Mỹ), GS. TS. Lê Ngọc Thành (Chủ tịch hội Phẫu thuật Tim mạch lồng ngực Việt Nam), TS. Nguyễn Công Hựu (Giám đốc Bệnh viện E) đã quyết định phối hợp để khởi động ca ghép phổi này.
Ca phẫu thuật được tiến hành vào ngày 9/2/2024 (đúng ngày 30 Tết), cùng với ekip hùng hậu, ca ghép phổi kéo dài 12 giờ (từ 10 giờ sáng tới 22 giờ đêm ngày 30 Tết) do TS.BS. Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cùng các thầy thuốc và chuyên gia Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với GS. TS. Lê Ngọc Thành và các thầy thuốc và chuyên gia từ Bệnh viện E.
Sau nhiều giờ cân não, ca ghép đã thành công tốt đẹp ở mức cao nhất theo tiêu chuẩn của UCSF, thêm một thành công lớn về kỹ thuật ghép tạng của Bệnh viện Phổi Trung ương.
Ca ghép thành công khi ngay thời điểm 12 giờ sau mổ, người bệnh đã tỉnh, tự thở những hơi thở đầu tiên của hai lá phổi mới trong những giọt nước mắt hạnh phúc của cả người bệnh và kíp thực hiện ghép phổi.
Ngay trong ngày đầu tiên sau ghép phổi, người bệnh đã phục hồi tốt, các chỉ số hô hấp ổn định.
Trên thế giới, kỹ thuật ghép phổi hầu hết chỉ được thực hiện ở các nước phát triển do đây là kỹ thuật ghép tạng rất khó và chi phí lớn. Nhưng tại Bệnh viện Phổi Trung ương, ca ghép này lại được thực hiện thành công trên một người bệnh trẻ tuổi, ca ghép thành công là dấu mốc lớn ghi nhận tiến bộ vượt bậc của các thầy thuốc Bệnh viện Phổi Trung ương với những chỉ đạo và quan tâm đặc biệt của Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh.
TS.BS. Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ: “Ghép phổi là kỹ thuật khó nhất trong các kỹ thuật ghép tạng, đòi hỏi sự phối hợp nghiêm ngặt của tất cả các bộ phận, các bác sĩ, chuyên gia phải đánh giá tình trạng phổi của người cho, người nhận rất chặt chẽ, quy trình lấy phổi và ghép phổi phức tạp đòi hỏi kỹ thuật cao từ khâu bảo quản, vận chuyển, kiểm soát nhiễm khuẩn, gây mê hồi sức, tim mạch, phẫu thuật lồng ngực, dược, huyết học, miễn dịch, phục hồi chức năng, dinh dưỡng...Bên cạnh đó, quá trình chăm sóc hậu phẫu cũng là yếu tố quyết định sự sống của người bệnh. Ca phẫu thuật đã được thực hiện chặt chẽ, bài bản theo quy trình tiêu chuẩn quốc tế từ Trung tâm ghép phổi UCSF là 1 trong 9 trung tâm ghép phổi lớn và có uy tín nhất tại Hoa Kỳ”.
Trước đó, Bệnh viện Phổi Trung ương đã từng thành công phối hợp với nhiều bệnh viện khác thực hiện thành công kỹ thuật ghép phổi, trong đó có ca bệnh ghép 2 lá phổi cho người đàn ông 56 tuổi, ở Thanh Hoá, được đánh giá là thành công toàn diện nhất tại Việt Nam với thời gian sống lâu nhất.
Với những thành công này, Chương trình ghép phổi của Việt Nam sẽ được ghi nhận vào danh sách của hệ thống ghép phổi trên thế giới. Thành công của ca ghép phổi này đã góp phần quan trọng vào thành tựu kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam. Chương trình ghép phổi sẽ giúp cứu được hàng nghìn người bệnh mà chỉ thay phổi mới cứu chữa được. Các quy trình kỹ thuật chẩn đoán, điều trị nội khoa và phẫu thuật phổi sẽ tiếp tục phát triển được như các nước phát triển. Sự thành công của các ca ghép phổi đã cho thấy Việt Nam đã tiếp cận và làm chủ được những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực ghép tạng, đây là thành tựu tiêu biểu của ngành Y tế Việt Nam, mang lại những giá trị to lớn cho sức khoẻ người bệnh và nhân dân.
Tại buổi thăm và làm việc tại Bệnh viện Phổi Trung ương ngày 15/2, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhận định: “Thành công của ca ghép phổi là dấu ấn rất lớn với lĩnh vực ghép mô tạng, bởi ghép phổi là kỹ thuật rất khó. Chúng tôi rất xúc động, tự hào với kết quả đội ngũ các y bác sĩ đã làm được. Thành công này là sự đoàn kết, sự chia sẻ, phối hợp rất tốt; đó còn là sự cố gắng, nỗ lực chung của toàn thể đội ngũ y bác sĩ. Là kết quả của sự chuẩn bị kỹ lưỡng, của lòng mong mỏi, khát vọng để kỹ thuật ghép tạng phát triển, là sự nỗ lực bền bỉ từ nhiều năm trước, từ nhiều thế hệ đúc rút ra những quy trình, điều kiện để có sự chuẩn bị tốt nhất kể cả về nhân lực, hậu cần, chuyên môn kỹ thuật…
“Nuôi quân 3 năm đánh trận 1 giờ”, để có được thành công này là sự chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện để thực hiện. Sự đoàn kết, thống nhất, chia sẻ, phối hợp, tranh thủ sự tiến bộ của thế giới giúp người dân được hưởng lợi chính là mục tiêu của ngành y tế đặt ra; để nền y học của Việt Nam sánh ngang với các nước phát triển”, Bộ trưởng khẳng định.
Thay mặt lãnh đạo ngành Y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan gửi lời tri ân tới gia đình người hiến tặng tạng. Riêng ca hiến này đã giúp cấy ghép được 8 tạng, giúp được rất nhiều những mảnh đời hồi sinh; không gì cao đẹp bằng sự hy sinh đó. Để có kết quả này, phải xuất phát từ những tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp của các gia đình hiến tặng mô tạng, là kết quả của việc vận động hiến mô tạng và các bộ phận cơ thể người.
Bộ trưởng cũng gửi lời chúc mừng tới gia đình bệnh nhân được ghép tạng, may mắn các chỉ số phù hợp, việc ghép phổi thành công giúp bệnh nhân có cơ hội, tương lại rộng mở, để tiếp tục ước mơ, tiếp tục sống cuộc đời mới.
Ngành y tế cũng mong muốn, quyết tâm để tiếp tục phát triển kỹ thuật cấy ghép mô tạng, cứu sống nhiều người bệnh đang mong mỏi. Đặc biệt là sẽ rà soát các quy định, quy trình để có hàng lang pháp lý tốt nhất cho hoạt động hiến- ghép tạng.
Cùng với đó, là sự quan tâm tới việc đào tạo nhân lực, nâng cao trình độ các y bác sĩ, để có trình độ đạt tiêu chuẩn quốc tế để có thể triển khai một cách thành công nhất; tiếp cận, hội nhập quốc tế để rút ngắn những khoảng cách, quy trình trong lĩnh vực ghép tạng.