Dẫn kết quả nghiên cứu do Đại học College London (UCL) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Dữ liệu Y tế về Ung thư (DATA-CAN) thực hiện, kênh RT (Nga) đưa tin tình trạng chậm trễ trong chẩn đoán sớm và điều trị bệnh ung thư có thể tác động đáng kể tới cơ hội sống sót của hàng nghìn bệnh nhân trên khắp nước Anh.
Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu của trên 3,5 triệu bệnh nhân ung thư và phát hiện ra đại dịch COVID-19 có thể gián tiếp dẫn tới cái chết của ít nhất 17.900 người mắc ung thư chỉ trong năm nay. Kết quả nghiên cứu chỉ ra số người tới thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán ung thư sớm giảm tới 76%, trong khi số bệnh nhân tham gia xạ trị và hóa trị cũng giảm 60%.
“Có nhiều yếu tố liên quan, bao gồm sự thay đổi nhanh chóng trong quy trình chẩn đoán và phác đồ điều trị, các biện pháp giãn cách xã hội, sự thay đổi trong thái độ của mọi người khi tìm đến hỗ trợ y tế, ảnh hưởng kinh tế từ tác động của COVID-19…”, Giáo sư Harry Hemingway, đồng tác giả của nghiên cứu đồng thời là Giám đốc Viện Số liệu Y tế thuộc UCL, giải thích.
Theo một cuộc thăm dò gần đây, có đến 10% người tham gia cho biết sẽ không gọi cho bác sĩ ngay cả khi cơ thể xuất hiện một cục bướu kéo dài hơn một tuần. Giới khoa học nhận định thái độ chần chừ trong tìm đến sự giúp đỡ y tế trong đại dịch có thể tác động tới tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân ung thư. Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) đã khởi động một chiến dịch kêu gọi những người mắc bệnh nặng hãy đến bệnh viện khi cần thiết.
Tính đến chiều 29/4, Anh ghi nhận tổng cộng 161.145 ca mắc COVD-19, trong đó có 21.678 người tử vong.