Thưa bà, vừa qua Việt Nam đã ghi nhận ca tử vong do cúm A/H5N1; điều tra dịch tễ cho thấy trước đó bệnh nhân có đi bẫy chim hoang dã. Bà đánh giá nguy cơ lây cúm A từ động vật sang người như thế nào, đặc biệt là từ động vật hoang dã?
Hiện một số chủng virus cúm A có khả năng gây bệnh trên người, động vật được biết đến phổ biến như: H5N1, H1N1, H3N2, H5N6, H7N9... Trong đó, cúm A/H5N1 được biết đến là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm gây bệnh trên chim, gia cầm và một số loài động vật khác và có thể lây nhiễm cho con người, gây bệnh diễn biến nặng, tiến triển nhanh, không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường và có tỷ lệ tử vong cao.
Con người có thể lây bệnh thông qua tiếp xúc trực tiếp với động vật bị nhiễm bệnh hoặc do chạm tay vào các bề mặt dính dịch nhầy, nước bọt hoặc phân động vật bị nhiễm bệnh rồi chạm lên mắt, mũi, miệng, hoặc hít phải giọt bắn, bụi trong không khí.
Theo một số kết quả rà soát, hiện đã phát hiện virus cúm gia cầm trên hơn 100 loài chim hoang dã, trong đó, có một số loài được cho là vật chủ tự nhiên của virus cúm gia cầm như vịt trời, ngỗng, thiên nga, mòng biển... Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các loài chim hoang dã nhiễm virus cúm gia cầm đều không có biểu hiện triệu chứng; trong khi gia cầm khi nhiễm virus có thể có các biểu hiện đặc trưng như: Kém ăn, sưng mí mắt, tím ở vùng mào, yếm, cẳng chân, khó thở, loạng choạng, ngã, triệu chứng hô hấp (chảy mũi, ho, hắt hơi...), vẹo cổ hoặc chết.
Chủng cúm A(H5N1) có phải dễ lây sang người hay không? Trong khi chủng cúm A(H5N1) từ trước tới nay mới chủ yếu cảnh báo trên gia cầm, thưa bà?
Việc tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với động vật bị nhiễm bệnh đều là nguy cơ lây nhiễm sang người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các ca bệnh ở người có nguyên nhân do virus cúm gia cầm và các virus cúm có nguồn gốc từ động vật khác đã được báo cáo, dù còn chưa đầy đủ.
Với cúm A/H5N1 có khả năng lây truyền trực tiếp từ chim, gia cầm sang người thông qua tiếp xúc với chim và gia cầm sống hoặc chết đã bị nhiễm bệnh hoặc từ môi trường. Đặc biệt, sau khi lây truyền sang người, virus còn có khả năng tái tổ hợp hình thành virus mới với gen virus cúm người và làm cho dịch dễ lan truyền từ người sang người, có nguy cơ gây nên đại dịch ở người.
Trong trường hợp, nếu người dân đã bắt và nhận biết loài động vật đó bị cúm A; người dân cần xử lý như thế nào để bảo vệ chính mình và những người xung quanh không bị nhiễm bệnh, thưa bà?
Theo khuyến cáo của cơ quan y tế, thú y, đối với gia cầm nuôi, khi phát hiện gia cầm ốm, chết, người dântuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
Do các loài chim hoang dã khi nhiễm virus cúm A thường không có biểu hiện triệu chứng rõ rang; vì vậy, cách tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ lây bệnh là chúng ta cần hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã nói chung, đặc biệt là các loài chim.
Trong trường hợp khi người dân có biểu hiện cúm như: Sốt, ho, đau ngực, khó thở… đặc biệt nếu có liên quan hoặc từng tiếp xúc với gia cầm hoặc chim thì phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Để không lây nhiễm cúm A/H5N1, người dân cần làm gì, thưa bà?
Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm Cúm A/H5N1, chúng ta cần tuân thủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế như:
- Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
- Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.
- Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Đặc biệt, với những người đến các quốc gia hoặc khu vực lưu hành dịch cúm gia cầm, cần hạn chế tối đa việc đến các cơ sở nuôi gia cầm, tiếp xúc với động vật tại các chợ gia cầm sống, đi vào khu vực giết mổ gia cầm và tiếp xúc với các bề mặt phơi nhiễm với phân, chất dịch, chất tiết từ gia cầm.
Người dân cần theo dõi triệu chứng và đến các cơ sở y tế nếu có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm cúm gia cầm.
Xin trân trọng cảm ơn bà!