Trước đó ngày 11/7, bà Nguyễn Thị Bé nhập viện trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã tích cực cấp cứu, hồi sức cho bệnh nhân. Nhưng khi có mạch, huyết áp trở lại thì bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim và viêm phổi rất nặng. Các bác sĩ đã quyết định điều trị viêm phổi sau đó mới điều trị nhồi máu cơ tim. Khi chụp mạch vành, bác sĩ nhận thấy mạch vành bên trái của bệnh nhân xoắn vặn, tình trạng vôi hóa nhiều, nhánh động mạch vành phải gần như tắc. Do tình trạng vôi hóa mạch vành của bà Bé khá nặng, bác sĩ không thể đặt stent bằng phương pháp thông thường.
Trường hợp ông Nguyễn Văn Lạc đã được đặt stent ở động mạch vành. Nhưng đoạn đầu của động mạch liên thất trước vẫn còn bị hẹp, dính thân trung. Đáng chú ý, chỗ hẹp lại bị vôi hóa rất nhiều. Với những ca bệnh này, bác sĩ rất khó đưa dây dẫn, bóng khi tiến hành can thiệp vào phần bị hẹp như các ca bệnh thông thường khác bởi khi nong phần hẹp, các mảng vôi rất dễ vỡ. Nếu càng cố gắng nong để đưa dây dẫn, bóng vào can thiệp phần động mạch bị hẹp, các mảng vôi đó sẽ vỡ, xé rách và làm bể mạch vành, gây biến chứng thủng mạch vành.
Theo bác sĩ Phạm Quang Huy, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, nếu can thiệp mạch vành cho 2 bệnh nhân trên bằng các phương pháp thông thường sẽ không an toàn, không thể mang lại kết quả tốt. Do đó, các bác sĩ đã quyết định dùng mũi khoan được bọc bằng các hạt kim cương để xử lý. Mũi khoan được quay với vận tốc 140.000 - 200.000 vòng/phút. Công nghệ này khiến các mảng vôi được bào mòn mà không gây rách mạch vành. Khi tạo được đường đi, các bác sĩ có thể đưa dây dẫn, bóng vào mạch vành can thiệp an toàn. Đây là 2 trường hợp đầu tiên được sử dụng mũi khoan kim cương trong can thiệp mạch vành do phần vôi hóa của bệnh nhân bị cứng như đá. Mũi khoan sẽ cắt nhẵn phần bị vôi hóa, khi đó các bác sĩ sẽ không còn lo ngại mảng vôi cứa đứt dây dẫn khi đặt stent.