Bệnh nhân tên S.T (57 tuổi), sống tại tỉnh Prey Veng (Campuchia), vào cấp cứu tại Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ ngày 16/6 trong tình trạng đau vùng thượng vị, lan sang hạ sườn trái, không yếu liệt, huyết áp cao 150/80. Theo người thân của bệnh nhân, cách thời điểm nhập viện 2 ngày, ông T. đau vùng thượng vị, lan sang hạ sườn trái. Bệnh nhân đã được chụp cắt lớp mạch máu điện toán CTA tại Campuchia, chẩn đoán phình động mạch chủ ngực. Sau đó, cơn đau dữ dội hơn, gia đình ông T. quyết định chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ.
Tại Khoa cấp cứu Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ, kết quả chụp CTA cho thấy, ông T. bị phình động mạch chủ ngực đã vỡ gây tràn máu ra ngoài thành mạch xung quanh động mạch chủ ngực đoạn xuống và màng phổi hai bên, nguy cơ tử vong cao.
Qua hội chẩn, các bác sĩ tiến hành can thiệp nội mạch cấp cứu, đặt stent Graft nhằm ngăn chặn máu chảy ào ạt từ túi phình ra ngoài ổ bụng gây tử vong. Sau 30 phút, ca can thiệp thành công, bệnh nhân đã giảm đau ngực, đang được tiếp tục theo dõi và điều trị hậu phẫu.
Bác sĩ Chuyên khoa II Ngô Minh Tuấn, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh - Trưởng Đơn vị can thiệp mạch máu tạng ngoại biên, Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ cho biết, phình động mạch chủ ngực là bệnh lý nguy hiểm, là tình trạng thành động mạch chủ thoái hóa, yếu đi và phình to ra. Triệu chứng của bệnh này tùy thuộc vào kích thước của khối phình, nếu khối phình to có thể chèn vào thực quản gây tắc nghẽn, chèn ép vào khí quản gây khó thở...
Hầu hết phình động mạch chủ ngực không có triệu chứng, mặc dù một số bệnh nhân có đau ngực hoặc đau lưng; các triệu chứng và dấu hiệu khác thường do các biến chứng (ví dụ như lóc tách, chèn ép các cấu trúc lân cận, huyết khối tắc mạch, vỡ). Nguy cơ vỡ là tỷ lệ thuận với kích thước của phình mạch.
Phình động mạch chủ ngực là bệnh ít triệu chứng, thường chỉ biểu hiện khi đã có các biến chứng nặng. Vì vậy, việc khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh là hết sức quan trọng.