Theo bác sỹ Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức phẫu thuật tim, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, thai phụ Nguyễn Thị Mỹ Duyên, 20 tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Dương được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 27/4/2017 trong tình trạng lơ mơ, tiếp xúc chậm, phải thở máy. Trước đó, bệnh nhân nhập viện Bệnh viện đa khoa Becamex (Bình Dương) do khó thở, đau ngực kèm ho khan kéo dài. Nhận thấy những cơn khó thở của bệnh nhân ngày một dồn dập, các bác sỹ bệnh viện này đã chuyển người bệnh lên Bệnh viện Chợ Rẫy để cấp cứu.
Thai phụ được chăm sóc điều trị sau phẫu thuật. Ảnh: Phương Vy/TTXVN |
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, qua phim chụp CT scan, các bác sỹ nhận thấy tại đoạn quai động mạch chủ ngực có một túi phình dài khoảng 6cm, nhiều máu tụ quanh túi phình, khả năng túi phình đã bị vỡ. Các bác sỹ nhận định, do túi phình động mạch chủ bị vỡ gây nên chèn ép cho khí quản khiến bệnh nhân bị suy hô hấp cấp, khó thở.
Bác sỹ Phạm Thị Lệ Xuân, Phó trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định: “Nguy hiểm nhất chính là khối phình đã bị vỡ, đây là ống máu chính nuôi cơ thể, nếu để lâu, toàn bộ máu sẽ chảy hết ra ngoài lồng ngực, bệnh nhân sẽ tử vong”. Do vậy, các bác sỹ buộc phải phẫu thuật khẩn thay đoạn quai động mạch đã bị phình, vỡ bằng những mạch máu nhân tạo. Đây là một trong những kỹ thuật khó trong phẫu thuật tim mạch hiện nay.
Để thay đoạn quai động mạch bị vỡ, các bác sỹ phải tiến hành ngưng tim, phổi, chạy máy tuần hoàn bên ngoài cơ thể bệnh nhân, đồng thời hạ sâu thân nhiệt đến hết mức có thể. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của ê-kíp phẫu thuật là bệnh nhân đang mang thai ở tuần thứ 12 của thai kỳ. “Do phải dùng thuốc kháng đông liều cao nên chúng tôi rất sợ bệnh nhân bị bong nhau, xuất huyết, sảy thai, vì vậy chúng tôi đã mời các bác sỹ chuyên khoa sản của Bệnh viện Hùng Vương cùng hội chẩn, hỗ trợ suốt quá trình trước, trong và sau phẫu thuật”, bác sỹ Trần Minh Trung, phẫu thuật viên chính của ca mổ cho biết.
Sau 8 giờ đồng hồ, ca phẫu thuật thành công ngoài mong đợi, hiện sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, tỉnh táo. Không chỉ cứu sống bệnh nhân, các bác sỹ còn bảo toàn được sự sống của thai nhi.
Theo bác sỹ Nguyễn Thái An, từ trước đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện 5 ca phẫu thuật phình động mạch chủ trên phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, đa số các trường hợp trước đây đều rơi vào giai đoạn cuối của thai kỳ, đây là trường hợp bệnh nhân có thai kỳ nhỏ tuổi nhất. Ghi nhận trên thế giới, tỷ lệ thành công cứu sống cả mẹ và thai nhi khi bị vỡ phình động mạch khoảng 50 - 60%.