Vào lúc 21 giờ 33 phút ngày 28/7, sản phụ A Si Sảh (sinh năm 1998, dân tộc Chăm, ngụ tại ấp La Mã, xã Vĩnh Tường, huyện An Phú, tỉnh An Giang) được Bệnh viện Sản Nhi An Giang chuyển đến Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng đau bụng nhiều, xuất huyết dưới da nhiều ở chân, tiểu cầu 4900/mm3 (mức độ giảm tiểu cầu rất nặng), chuyển dạ sinh khó - thai tuần. Trong thai kỳ sản phụ có đi khám thai nhưng không liên tục.
Qua thăm khám, thực hiện siêu âm và các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, các bác sỹ nhận thấy sản phụ có bệnh lý đi kèm xuất huyết giảm tiểu cầu nghiêm trọng nghi do miễn dịch. Xác định đây là trường hợp nặng, nguy cơ xuất huyết cao có nguy cơ đe dọa tính mạng cho mẹ và con, các bác sỹ đã hội chẩn, truyền 5 đơn vị tiểu cầu, 2 đơn vị hồng cầu, với mục tiêu đưa ngưỡng tiểu cầu an toàn cho phép phẫu thuật cho bệnh nhân. Các bác sĩ tiên lượng đây là ca mổ khó, có nhiều biến chứng nguy hiểm, sản phụ được làm các xét nghiệm cơ bản, đồng thời chuẩn bị đầy đủ nguồn máu…
Sau khi tiến hành hội chẩn, xét nghiệm huyết học, vào lúc 9 giờ 30 ngày 29/7, các bác sỹ quyết định mổ lấy thai cấp cứu. Do số lượng tiểu cầu thấp nên sản phụ được chỉ định gây mê. Ca mổ đã thành công sau 20 phút thực hiện phẫu thuật, cả mẹ và bé đều an toàn. Bé gái chào đời khỏe mạnh nặng 2,9 kg, được đưa về phòng sơ sinh chăm sóc.
Đến ngày 30/7, sản phụ tỉnh, sức khỏe ổn định, tiếp xúc tốt, vết mổ khô, không dấu xuất huyết mới. Xét nghiệm huyết học số lượng tiểu cầu hồi phục tốt. Sản phụ được tiếp tục theo dõi, điều trị tại Khoa Sản. Sau sinh bé phát triển ổn định, khỏe mạnh.
Bác sỹ chuyên khoa II Cao Văn Nhựt, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết: Nguy cơ xuất huyết nặng khi số lượng tiểu cầu nhỏ hơn 50.000/mm3 (số lượng tiểu cầu bình thường trong khoảng 150 – 300.000/ mm3). Đây là trường hợp sản phụ mang thai có nguy cơ xuất huyết rất cao do số lượng tiểu cầu lúc nhập viện chỉ đạt 5.000/mm3. Tiên lượng rất nặng cho cả mẹ và con, sản phụ có chỉ định truyền tiểu cầu cấp cứu. Trường hợp sản phụ giảm tiểu cầu nặng nguyên nhân do miễn dịch cần phải loại trừ những bệnh lý sản khoa rất nặng nguy cơ tử vong mẹ và con: tiền sản giật nặng, hội chứng HELLP, vì đây là những trường hợp cần can thiệp cấp cứu tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
Giảm tiểu cầu trong thai kỳ được chẩn đoán một cách đơn giản dựa vào số lượng tiểu cầu được định lượng trong công thức máu. Ngày nay, với việc mở rộng ứng dụng xét nghiệm trong khám thai theo quy chuẩn quốc gia nên việc phát hiện ngày càng sớm. Do đó, trong thai kỳ, sản phụ cần tuân thủ lịch khám tư vấn, kiểm tra định kỳ sản khoa.