Tâm tư ở “chân ngọn nến”
Không thể phủ nhận thời gian qua, trong khi các y bác sĩ miệt mài chống dịch được tôn vinh như những người anh hùng thì ở nơi “chân ngọn nến” vẫn là vùng tối. Đằng sau những lời ngợi ca vẫn là băn khoăn về sự đãi ngộ, lương thấp, thậm chí nhiều nơi cán bộ y tế bị cắt giảm thu nhập vì dịch bệnh.
Vừa qua, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã công bố kết quả của Nghiên cứu về "Tình trạng lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong COVID-19” với 2.700 nhân viên y tế, trong số này có 53% là nhân viên y tế có tiếp xúc COVID-19 hàng ngày và 35,6% nguy cơ mắc COVID-19. Trong số các nhân viên y tế được khảo sát, có hơn 1/3 cho biết lương, thưởng và phụ cấp của họ đã bị giảm. Qua khảo sát, tính tới hết tháng 12/2021, hơn 62% cán bộ y tế chưa nhận được bất kỳ một khoản phụ cấp nào; hơn 80% không thể chi trả hoặc chỉ có thể chi trả một phần chi phí sinh hoạt của bản thân và gia đình. Khoảng 40% trong số những người được khảo sát gặp phải những khó chịu và suy giảm về sức khỏe thể chất; khoảng 70% bị lo lắng và trầm cảm; có 25% giảm mức độ hài lòng với công việc của họ…
Những con số trên cho thấy đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần của các nhân viên y tế. Trong đó, các chế độ cho nhân viên y tế chưa thực sự xứng đáng với những gì họ đã cống hiến, nhất là trong giai đoạn vừa qua, khi lực lượng y tế phải gồng mình chống dịch trong thời gian dài.
Hay mới đây, một số y, bác sĩ là tình nguyện viên tham gia chống dịch tại TP Hồ Chí Minh đã phải lên tiếng phản ánh về sự chậm trễ trong chi trả phụ cấp chống dịch. Phía Sở Y tế TP Hồ Chí Minh giải thích, sự chậm trễ này là do bị vướng một số thủ tục nên kho bạc chậm chuyển tiền cho các tình nguyện viên. Sở Y tế phải phối hợp cùng các bệnh viện nhanh chóng rà soát, đốc thúc tiến độ chi trả, đảm bảo quyền lợi cho các nhân viên y tế.
Áp lực công việc cùng với sự đãi ngộ chưa xứng đáng khiến thời gian gần đây tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc cũng gia tăng. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thông tin, chỉ 10 tháng đầu năm 2021 vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh đã có gần 1.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc, lý do được cho là họ kiệt sức sau nhiều tháng chống dịch. Qua phân tích, số nhân viên nghỉ việc có sự tăng nhẹ ở vị trí điều dưỡng và bác sĩ ở tuyến trạm y tế. Đây cũng là những vị trí còn nhiều băn khoăn về chế độ đãi ngộ để giữ chân nhân lực.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, về việc chi trả tiền phụ cấp cho nhân viên y tế tham gia chống dịch, đến nay, sau khi dịch cơ bản được kiểm soát, hầu như các đơn vị, địa phương đã chi trả phụ cấp cho nhân viên y tế theo Công văn hướng dẫn của Bộ Y tế về chi trả chế độ cho nhân viên y tế của địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cũng có một số địa phương, sau khi dịch đã ổn định nhưng chưa chi trả khoản hỗ trợ này. Bộ Y tế phải tiếp tục có công văn gửi y tế các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố khẩn trương chi trả phụ cấp ngành cho nhân viên y tế.
Kể từ khi dịch COVID-19 xảy ra đến nay, ở tất cả các tuyến, khối lượng công việc của nhân viên y tế tăng lên gấp nhiều lần; nhất là đội ngũ nhân viên y tế tham gia chống dịch phải đi sớm về khuya, làm việc hết công suất như: Điều trị bệnh nhân COVID-19, lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, theo dõi và điều trị F0 tại nhà, tiêm vaccine, hướng dẫn cách ly y tế… Thậm chí rất nhiều nhân viên y tế tới 5 - 6 tháng không được về nhà, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng họ vẫn đầy nhiệt huyết, sẵn sàng xả thân vì cộng đồng.
“Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, nguồn thu của bệnh viện giảm nhiều, các bác sĩ và nhân viên y tế luôn thấu hiểu cho ngành y tế và cho bệnh viện. Trong tình trạng luôn phải đối mặt với ca F0, khi bệnh viện chỉ có thể phát lượng khẩu trang nhất định thì nhân viên y tế phải tự trang bị thêm đồ bảo hộ, thậm chí cả que test COVID. Có người được cấp những trang thiết bị này nhưng muốn nhường cho người khác hoặc đôi khi số lượng không đủ. Khi bị phơi nhiễm, trở thành F0, nhân viên y tế tự ở nhà chăm sóc cho bản thân vì đã có kinh nghiệm”, BS. Đỗ Doãn Bách, Bệnh viện Bạch Mai, người trực tiếp tham gia chống dịch trên tuyến đầu tâm sự.
Hay tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đã từng có hơn 200 bác sĩ nhiễm COVID-19; nhưng trước áp lực của dịch bệnh, họ vẫn không nghỉ ngơi mà còn tự nguyện xin xuống Bệnh viện điều trị COVID-19 làm việc để những đồng nghiệp khác không nhiễm bệnh lên cơ sở 1 làm việc. Trong các điểm nóng dịch bệnh, cũng đã rất nhiều tấm gương các y bác sĩ bị lây nhiễm khi nhưng còn sức khỏe vẫn không rời “trận địa”.
Cần những cơ chế đặc thù
Từ thực tế hơn 2 năm chống dịch vừa qua, đãi ngộ cán bộ y tế vẫn là vấn đề “nóng”, bởi phải đảm bảo đời sống cho đội ngũ công tác trong ngành y để họ có thể toàn tâm toàn ý cống hiến, ngành y là một ngành đặc thù, đầy khó khăn nhưng cũng gắn với những trách nhiệm cao cả, nhân văn.
“Tai Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chúng tôi đã phải cố gắng hết sức để nhân viên y tế hiện nay có thu nhập bằng như trước khi đại dịch. Thậm chí ở nhiều bệnh viện hiện nay, nhân viên y tế còn bị cắt giảm tiền thu nhập tăng thêm, chỉ còn lương cơ bản; sắp tới, ngân sách chống dịch cũng thay đổi nên sẽ rất khó khăn. Chúng ta còn rất nhiều việc cần làm trong thời gian trước mắt để nâng cao thu nhập, ổn định được đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân viên y tế", PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu thừa nhận.
Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bộ, đặc thù cho lực lượng y tế ở tất cả các tuyến, các lĩnh vực, có như vậy mới có thể sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch bệnh trong thời gian tới. Bởi ngành y là ngành đặc thù với thời gian đào tạo dài, công việc của nhân viên y tế liên quan đến tính mạng, sức khỏe con người, nhân viên y tế cũng liên tục phải đối mặt với các nguy cơ, rủi ro như đại dịch vừa qua.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thời gian qua, Bộ Y tế đã báo cáo với các cấp có thẩm quyền để tăng chế độ phụ cấp phòng chống dịch, nhất là cán bộ y tế làm việc ở tâm dịch; nâng cao chế độ hỗ trợ nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng. Trong năm 2022, Bộ Y tế sẽ đổi mới cơ chế tài chính và quan tâm nhiều hơn đến y tế cơ sở, lực lượng y tế ở tất cả các tuyến. Việc đổi mới tài chính phải đảm bảo hoạt động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, qua đó nâng cao được thu nhập đối với nhân viên y tế, để họ yên tâm công tác.
Theo đó, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành mức phụ cấp ưu đãi nghề, từ 40- 70% lên 100%. Nội dung này đã được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương; Chính phủ đang giao Bộ Y tế xây dựng khẩn trương và trình Chính phủ ban hành sửa đổi Nghị định số 56 ngày 4/7/2021 về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức làm việc trong các cơ sở y tế công lập. Khi chính sách này ra đời sẽ cải thiện phần nào nhu cầu của các cán bộ y tế.
Bên cạnh việc đảm bảo điều kiện làm việc, nâng cao chế độ đãi ngộ với nhân viên y tế, về giải pháp căn cơ, lâu dài, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng: Chúng ta cần có chính sách phân bổ nguồn lực hợp lý giữa y tế dự phòng, y tế cơ sở và y tế điều trị để thực hiện trách nhiệm xã hội và chế độ luân phiên thời hạn giữa viên chức ngành y tế công tác ở từng tuyến và từng cơ sở điều trị. Đồng thời, từng bước bảo đảm nhân lực y tế để thực hiện các hoạt động về phòng chống dịch, cung cấp dịch vụ cho người dân trên địa bàn; đảm bảo đội ngũ nhân lực là bác sĩ và nhân viên y tế có chuyên ngành về hồi sức cấp cứu. Bộ Y tế cũng sẽ chỉ đạo đổi mới chương trình đào tạo y khoa để phù hợp với chuẩn chung của thế giới; đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, phòng chống dịch của Việt Nam.