Không ít người giật mình khi cô bạn đồng nghiệp mới hàn huyên trò chuyện ngày hôm qua đã trở thành F0, hay người hàng xóm thường ngày vẫn hay nhắc nhở phòng dịch cẩn thận bỗng thông báo dương tính với SARS-CoV-2, người khách quý đến chơi trở thành “nguồn lây” cho cả gia đình gia chủ…
Chỉ trong thời gian ngắn, từ chỗ vài chục ca F0 mỗi ngày, nay đã lên tới gần 3.000 ca và thành phố Hà Nội đang lên phương án đáp ứng cho 100.000 ca COVID-19. Tính đến ngày 11/1, thành phố có 48.524 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly; trong đó có .5 người (chiếm gần 80%) đang điều trị tại nhà; số còn lại điều trị tại cơ sở thu dung và tại bệnh viện. Đáng lưu ý, trong số 4.408 trường hợp F0 điều trị tại bệnh viện có 467 trường hợp nặng, nguy kịch và số bệnh nhân nặng đang có xu hướng gia tăng những ngày gần đây.
Hiệu quả điều trị tại nhà và trạm y tế lưu động
Những ngày gần đây trên nhóm Zalo của tòa chung cư CT3C – X2 Khu đô thị Linh Đàm liên tục thông báo danh sách các bệnh nhân khỏi bệnh, từ 28 ca F0 đến nay số bệnh nhân này đã khỏi bệnh gần hết, chỉ còn lại 3 ca đang phải điều trị.
Chị Bùi Thị Vân Khánh, một cư dân tòa nhà cho biết, các bệnh nhân ở đây chủ yếu tự điều trị ở nhà bằng những loại thuốc thông thường và đều nhanh khỏi. Như gia đình chị khi test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 đã rất lo lắng. Do không liên hệ được với y tế phường nên phải 4-5 ngày sau, gia đình chị mới ra phường để được xét nghiệm lại (bằng test nhanh) thì kết quả lại âm tính. Không yên tâm, chị đã gọi dịch vụ của Bệnh viện Medlatec đến làm xét nghiệm PCR, kết quả khẳng định cả 3 người trong gia đình chị đều dương tính. “Lúc đó chúng tôi mới điểu trị bằng vài loại thuốc thông thường được phát, uống trà gừng và xông bằng nước lá. Chắc chúng tôi bị nhẹ nên nhanh khỏi”, chị Bùi Thị Vân Khánh chia sẻ.
Tại các địa phương, các trạm y tế lưu động đi vào hoạt động cũng phát huy hiệu quả trong điều trị cho các bệnh nhân thể nhẹ. Dù nhân lực ít trong khi khối lượng công việc nhiều nhưng các cán bộ, nhân viên các Trạm Y tế lưu động đã cố gắng hết khả năng để giúp bệnh nhân sớm khỏi bệnh để trở về với gia đình khi những ngày Tết đang cận kề.
Trạm Y tế lưu động thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai) từ ngày 3/12/2021 đến ngày 9/1/2022 đã thu dung, điều trị 292 ca F0 là những bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, trong đó 240 bệnh nhân đã được xuất viện, 7 bệnh nhân chuyển tuyến điều trị tại tầng 2 và tầng 3. Trạm bố trí từ 4-8 giường bệnh mỗi phòng, đảm bảo giữ khoảng cách và luôn được khuyến cáo tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Các bác sỹ, điều dưỡng thăm khám cho từng bệnh nhân, cấp phát thuốc, vitamin, đồng thời tư vấn cho người bệnh cách tự chăm sóc, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, bổ sung vitamin để tăng cường sức đề kháng. Các suất ăn được phục vụ đến tận phòng bệnh. Hằng ngày, bác sĩ đều rà soát bệnh nhân và lấy mẫu xét nghiệm.
Xu hướng tăng bệnh nhân nặng
Tuy nhiên bên cạnh những bệnh nhân khỏi bệnh, do số ca nhiễm tăng mạnh nên số bệnh nhân nặng cũng có xu hướng gia tăng những ngày gần đây. Từ ngày 29/4 đến nay, toàn thành phố đã có 270 người tử vong do COVID-19, tỷ lệ tử vong/ca mắc COVID-19 của Hà Nội hiện là 0,4%. Trong số 467 người ở mức độ nặng và nguy kịch có 411 người phải thở mặt nạ, gọng kính; 14 người thở HFNC (thở ôxy dòng cao); 10 người thở máy không xâm lấn; 31 người thở máy xâm lấn; 1 người phải lọc máu. Với số ca F0 tăng nhanh, đặc biệt là bệnh nhân nặng, các bệnh viện chuẩn bị tầng 3 sẵn sàng về trang thiết bị cũng như nhân lực để đảm bảo điều trị cho F0.
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang hiện đang điều trị cho 280 bệnh nhân mắc COVID-19. “Bệnh viện chuẩn bị sẵn 300 giường điều trị cho F0; đảm bảo trang thiết bị, máy móc, nhân lực cũng được đào tạo để đảm bảo chăm sóc cho 300 F0. Hiện việc điều trị, chăm sóc F0 chưa vượt quá năng lực của bệnh viện”, Tiễn sỹ Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết.
Tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông có 133 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị, trong đó có 28 bệnh nhân nặng, 105 bệnh nhân trung bình. Bệnh viện đang khó khăn về nhân lực và phải bố trí 15 cán bộ, nhân viên y tế/1 ca trực, mỗi tuần thay ca/lần. Ngoài điều trị cho các ca F0 tại bệnh viện, các nhân viên y tế ở đây còn phải hỗ trợ cơ sở thu dung F0 ở Tứ Hiệp, đặc biệt việc điểu trị cho các ca nặng cần nhiều nhân lực, nhất là bác sỹ cấp cứu hồi sức.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, dự báo số ca mắc và ca nặng, nguy kịch tại Hà Nội tiếp tục tăng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, Hà Nội không nên quan tâm nhiều đến số ca nhiễm mỗi ngày mà cần tập trung vào số ca nặng và ca tử vong. Trong đó cần phân tích nguyên nhân tử vong, các ca tử vong thuộc đối tượng nào, đã tiêm vaccine chưa, có phải do tiếp cận y tế muộn, điều trị muộn hay không, để từ đó có những biện pháp điều chỉnh nhằm giảm tỉ lệ tử vong.
Để hạn chế bệnh nhân tử vong
Hiện tại, các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 như giám sát nhập cảnh, xét nghiệm tiêm chủng, tổ chức điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện, cơ sở thu dung và hỗ trợ người bệnh điều trị tại nhà vẫn đang được ngành y tế Thủ đô thực hiện và phối hợp với chính quyền địa phương tích cực triển khai.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, tại các địa phương, nhất là ở những phường dân cư đông trong khi nhân lực tại các trạm y tế quá ít, có ý kiến phản ánh về việc các F0 chậm được đáp ứng y tế, chậm được xét nghiệm, phát thuốc, chậm được ghi nhận là F0.
“Tôi vẫn gặp hàng xóm đi chợ, đổ rác nhưng sau mới biết gia đình họ là F0. Mắc bệnh nhưng họ không có ý thức giữ gìn cho cộng đồng mà cũng chẳng thấy ai nhắc nhở”, chị Nguyễn Thị Thủy ở ngõ 88 phố Sơn Tây (quận Ba Đình) đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Sơn Tây cho biết.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, với tình hình dịch bệnh diễn biến như hiện nay, 3 giải pháp chính để phòng, chống dịch COVID -19 cần được tập trung là tăng cường tiêm vaccine; cung cấp thuốc đầy đủ, kịp thời cho người bệnh; quản lý chặt chẽ bệnh nhân điều trị tại nhà, hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tầng.
Thực tế hiện nay, việc điều trị cho các trường hợp F0 tại nhà vẫn còn những bất cập. Nhiều trường hợp F0 phàn nàn gần như không được y tế quan tâm, tự điều trị bằng vài loại thuốc thông thường được phát. Có trường hợp mua thuốc bên ngoài tự điều trị hoặc trữ sẵn thuốc điều trị COVID-19.
Về vấn đề này, theo bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, những người là F0 nếu không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ có thể không cần phải uống thuốc. Thuốc kháng virus Molnupiravir hiện đang sử dụng trong chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát, các trường hợp F0 chỉ được sử dụng khi đã khám sàng lọc, đánh giá và cam kết tham gia với sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế. Thuốc này chống chỉ định với người dưới 18 tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai, người có bệnh lý nền về gan, thận… Người dân không tự ý dùng thuốc hoặc nghe theo lời mách bảo của người không có chuyên môn.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc mới từ 18 giờ ngày 10/1 đến 18 giờ ngày 11/1 tại Hà Nội vẫn tiếp tục cao nhất cả nước với 2.884 ca, phân bố tại 391 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã, nhiều nhất là các quận, huyện: Đống Đa, Thanh Xuân, Hoài Đức, Đông Anh, Hoàn Kiếm, Gia Lâm.
Việc siết chặt hay nới lỏng các hoạt động trên địa bàn thành phố đang được các địa phương điểu chỉnh theo cấp độ dịch, ưu tiên hàng đầu là phòng, chống dịch, nhưng đồng thời cũng cần phục hồi và phát triển kinh tế.
Có ý kiến chuyên gia y tế cho rằng “Chúng ta không khống chế được ca mắc, chỉ khống chế được ca tử vong”. Với thực tế ở Hà Nội như hiện nay, để thực hiện được mục tiêu trên, các trường hợp F0 điều trị tại nhà cần sớm được đáp ứng y tế đầy đủ, đặc biệt là hướng dẫn cụ thể cho từng triệu chứng bệnh, chứ không phải điều trị theo kiểu “mò mẫm” khiến tình trạng bệnh tăng nặng. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực điều trị cho bệnh nhân nặng tại các Bệnh viện, khu điều trị. Đồng thời mỗi người dân phải nâng cao ý thức phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng để hạn chế thấp nhất số ca tăng nặng và bệnh nhân tử vong, chặn "vết dầu loang" COVID-19.