Các chuyên gia thuộc viện nghiên cứu Inserm của Pháp đã so sánh số ca đau tim không phải do tai nạn gây ra ở vùng đô thị Paris trong 6 tuần đỉnh dịch (từ 16/3 - 26/4) với số liệu cùng kỳ năm ngoái. Kết quả cho thấy tỷ lệ đau tim tối đa hàng tuần đã tăng từ 13,4 lên 26,4 ca/triệu dân, trước khi quay trở lại mức bình thường trong những tuần cuối cùng của giai đoạn này.
Tỷ lệ đau tim xảy ra tại nhà tăng từ 76,8% lên 90,2%, trùng khớp với thời kỳ thành phố áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, trong khi tỷ lệ các ca bệnh có người ngoài can thiệp giảm từ 63,9% xuống còn 47,8%.
Đáng chú ý, tỷ lệ sống sót khi nhập viện giảm mạnh, từ 22,8% xuống còn 12,8%.
Nghiên cứu chứng minh rằng số ca đau tim tăng lên và giảm xuống đồng thời với số trường hợp nhập viện vì COVID-19 tại Paris. Các nhà khoa học cho rằng tỷ lệ bệnh nhân tim mạch sống sót giảm là do các nhân chứng hoặc nhân viên cấp cứu không dám sơ cứu cho người bệnh, do một số bệnh viện đã ban hành quy định cấm tiếp xúc với bệnh nhân nếu không có trang thiết bộ bảo hộ phù hợp.
Virus SARS-CoV-2 có thể ảnh hưởng đến tim mạch. Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới, các ca nhiễm hoặc người nghi nhiễm virus Corona chủng mới chỉ chiếm gần 1/3 số ca bệnh tim gia tăng trong 6 tuần Paris trải qua đỉnh dịch. Do đó, các chuyên gia cho rằng hiện tượng số ca đau tim gia tăng ở những người không mắc COVID-19 có thể là do nhiều yếu tố khác liên quan đến đại dịch.
Dưới tác động của lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại, bệnh nhân khó tiếp cận dịch vụ y tế hơn và đôi khi không muốn đến bệnh viện vì sợ nhiễm bệnh hoặc phải chờ đợi lâu. Ngoài ra, tâm lý căng thẳng hoặc nỗi đau mất đi người thân cũng làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch.