Dịch cúm B diễn biến bất thường hơn mọi năm, nặng không kém cúm A

Nếu mọi năm cúm B chỉ là cúm mùa thông thường, thì năm nay, biểu hiện ở các trẻ mắc cúm B có dấu hiệu nặng hơn; thậm chí nặng không kém cúm A.

Chú thích ảnh
Trẻ nhập viện vì mắc cúm tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: PV

Diễn biến nặng không kém cúm A

Thấy con bị sốt, ho, chị H.N.A (ở Hà Nội) chủ quan nghĩ bị cúm đơn giản. Chị đi mua thuốc cảm cúm như thường lệ cho con uống. Tuy nhiên, sau 2 ngày uống thuốc, cháu nhỏ mệt hơn, đến lúc thấy con mê sảng, đi không vững chị mới tá hỏa gọi xe cấp cứu đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương. Bé được xác định mắc cúm B. Rất may được phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời nên con chị đã hồi phục tốt.

“Khi cháu có dấu hiệu bị cúm, tôi nghĩ cháu cũng bị nhẹ như mọi người trong nhà, vì cảm cúm thường tự khỏi; không ngờ cháu lại bị chuyển nặng lên, qua đây mới thấy không thể chủ quan được”, chị  A chia sẻ.

Ngay khi con vừa ra viện sau đợt mắc Adenovirus được 2 tuần, chị N.T.L (ở Cầu Giấy, Hà Nội) lại thấy cháu có dấu hiệu ho, sốt. Sợ con tái nhiễm, chị cho con đến bệnh viện khám, xét nghiệm thì được chẩn đoán mắc cúm B.

“Tôi rất sợ sức khỏe cháu còn yếu sau thời gian nằm viện trước đó nên phải theo dõi rất cẩn thận. Bình thường mọi năm, cúm B không đáng lo, nhưng năm nay nhiều trường hợp nặng, nên tôi chú ý hơn”, chị N.T.L

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, giai đoạn thời tiết giao mùa, số trẻ đến khám vì mắc bệnh hô hấp rất đông; nhiều trẻ bị cúm nặng phải nhập viện.

Theo ghi nhận tại Bệnh viện, sau đợt cúm A bùng phát mạnh vừa qua, từ tháng 9 -  tháng 10 lại bắt đầu xuất hiện nhiều trẻ mắc cúm B.

TS.BS Nguyễn Mai Hoàn, Trưởng khoa Khám bệnh đa khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Năm nay dịch cúm B có nhiều điểm khác so với mọi năm; cụ thể tỷ lệ nhiễm cúm B tăng cao hơn, lây lan mạnh, tập trung nhiều ở nhóm trẻ lớn và người lớn. Nếu mọi năm cúm B chỉ là virus cúm thông thường thì năm nay, biểu hiện ở các trẻ mắc cúm B có vẻ nặng nề hơn như: Trẻ sốt cao hơn, những trẻ này khi xét nghiệm đã có bội nhiễm, trong đó chủ yếu là nhiễm khuẩn đường hô hấp. Đặc biệt các trường hợp này đều lây lan mạnh, đa số các trẻ mắc cúm B nhập viện đều có cả gia đình, lớp học cũng bị lây nhiễm”.

Mọi năm, cúm B thường chỉ xuất hiện lẻ tẻ trên một vài cá thể, nhưng năm nay xuất hiện trong từng gia đình, từng nhóm đông người; người bệnh có biểu hiện nặng nề hơn; đặc biệt với những trẻ nhập viện có bệnh nền hoặc có yếu tố cơ địa đều bị nhiễm cúm B rất nặng nề.

“Triệu chứng cúm A và cúm B có nhiều điểm giống như: Sốt cao, viêm long đường hô hấp… Tuy nhiên, mọi năm cúm A vẫn được chú trọng nhiều hơn vì cúm A thường gây sốt cao và lây lan mạnh; tuy nhiên năm nay, cúm B cũng có biểu hiện gần giống cúm A, nên người dân cần phải cẩn thận hơn”, TS.BS Nguyễn Mai Hoàn cảnh báo.

Theo BS. Nguyễn Mai Hoàn, tỷ lệ mắc cúm B tăng cao như năm nay có thể do nhiều nguyên nhân như: Virus cúm hay xảy ra ở những cơ thể có yếu tố dịch tễ tiếp xúc nơi đông người; sau thời gian người dân phải cách ly do dịch bệnh; khi trẻ quay trở lại trường nên có biểu hiện mạnh hơn. Đặc biệt, sau khi cơ thể nhiễm virus, nhiễm cúm cũng làm cho hệ miễn dịch của trẻ giảm hơn, sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn khi mắc cúm.

Phòng tránh lây lan

TS.BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: “Cả cúm A và cúm B đều là cúm mùa, nên đa số bệnh nhân tự phục hồi; nhưng có một số trường dễ biến chứng nặng, nhất là những trẻ có nguy cơ cao như: Trẻ dưới 2 tuổi, trẻ mắc bệnh mãn tính (béo phì, phổi mãn tính, hen, rối loạn miễn dịch, dùng thuốc ức chế miễn dịch…). Vì vậy người dân không nên quá lo lắng, các ca mắc cúm B chủ yếu được chăm sóc tại nhà; các trường hợp trở nặng mới phải nhập viện”.

Một số trường hợp mắc cúm B có biến chứng sẽ được sử dụng các thuốc kháng virus giống như cúm A. Người dân không nên tùy tiện sử dụng thuốc kháng virus khi mắc cúm B nếu chưa có chỉ định vì thuốc khá độc hại, dễ ảnh hưởng đến chức năng gan thận…

Bác sĩ cũng khuyến cáo, với các trường hợp mắc cúm B điều trị tại nhà, cha mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ vì bệnh gây sốt cao, viêm long đường hô hấp… Cần cho trẻ ở trong phòng thoáng; sử dụng thuốc hạ sốt nếu sốt trên ,5 độ, có thể hạ sốt bằng cách chườm ấm cho trẻ, nới rộng quần áo… Trẻ mắc cúm sẽ rất mệt mỏi, ăn uống kém, nên cần được bổ sung các dưỡng chất bằng cách bù dịch đầy đủ, ăn đồ ăn lỏng, chia thành nhiều bữa…

Với các trẻ mắc cúm cần cách ly, tránh đưa đến lớp để không lây chéo sang người xung quanh…

Để phòng lây nhiễm cúm, người dân cần tuân thủ rửa tay khử khuẩn, vệ sinh bề mặt để hạn chế lây nhiễm khi virus phát tán; tránh đưa trẻ đến nơi đông người.

Hiện nay đã có vaccine phòng cúm A, cúm B tiêm cho trẻ từ 6 tháng trở nên, cha mẹ nên cho trẻ đi tiêm phòng để phòng bệnh tốt nhất.

TS.BS Tạ Anh Tuấn cũng khuyến cáo, với trẻ mắc cúm B, cha mẹ cần theo dõi, nếu thấy các dấu hiệu như:  Sốt cao liên tục trên 39,5 độ, sốt cao kéo dài nhiều ngày chưa có dấu hiệu thuyên giảm… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám.

Một số dấu hiệu nặng khi mắc cúm như: Trẻ không chịu chơi, quấy khóc, có trẻ có rối loạn nhịp thở (khó thở, thở khò khè, thở rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng), chân tay lạnh, nhịp tim tăng, da tái, có biểu hiện mất nước, không ăn uống được, trẻ mệt lả…

Tuy nhiên, người dân cũng không nên quá lo lắng khi mắc cúm B. Đặc biệt việc gọi xét nghiệm cúm B tại nhà một cách tràn lan là không cần thiết. Cha mẹ cần chú ý quan sát các dấu hiệu của trẻ để đưa trẻ đi khám kịp thời nếu có các biểu hiện nặng; không tùy tiện sử dụng thuốc cho trẻ, nhất là thuốc kháng sinh vì thuốc kháng sinh không có tác dụng với virus cúm.

"Người dân cũng không lạm dụng thuốc kháng virus trong điều trị cúm để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ”, TS.BS Tạ Anh Tuấn khuyến cáo.

Tạ Nguyên/báo Tin tức
Khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống bệnh cúm mùa
Khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống bệnh cúm mùa

Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, do đó, nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa (bao gồm cả cúm A và cúm B). Triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác. Việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Để chủ động phòng, chống bệnh cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo:

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN