Báo cáo của UNICEF nêu rõ trong khoảng thời gian từ 2010-2017, ít nhất 169 triệu trẻ em đã bị bỏ lỡ mũi tiêm vaccine sởi đầu tiên, tương đương với tỷ lệ trung bình là 21,1 triệu em/năm. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng điều này đã dẫn đến việc số ca nhiễm sởi trong quý I năm nay tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, lên 112.163 trường hợp.
Sởi là căn bệnh lây nhiễm cao có khả năng dẫn đến mù lòa, điếc, tổn thương não và tử vong. Căn bệnh này đang làm bùng phát dịch tại nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có Mỹ, châu Âu, Philippines, Tunisia và Thái Lan.
Để bảo vệ sức khỏe trẻ em thì hai mũi tiêm vaccine sởi là cần thiết. WHO nhấn mạnh rằng tỷ lệ tiêm vaccine vào khoảng 95% là cần thiết để tạo ra sự miễn dịch chống lại căn bệnh này. Tuy nhiên, việc thiếu tiếp cận chăm sóc sức khỏe, hệ thống y tế nghèo nàn, lo sợ và hoài nghi về vaccine đã khiến tỷ lệ tiêm mũi vaccine sởi đầu tiên chỉ là 85% trong năm 2017, tương đương với tỷ lệ của thập niên trước. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm mũi thứ hai còn thấp hơn, chỉ là 67%. Năm 2017, khoảng 110.000 người, chủ yếu là trẻ em, đã tử vong vì bệnh sởi, tăng 22% so với năm trước đó.
Trong số các nước phát triển, Mỹ là quốc gia đứng đầu danh sách về tỷ lệ trẻ chưa được tiêm mũi vaccine đầu tiên trong giai đoạn từ 2010-2017 với 2,5 triệu trẻ em. Mỹ hiện phải đối mặt với tình trạng bùng phát dịch sởi nghiêm trọng nhất trong gần 20 năm. Pháp và Anh xếp vị trí tiếp theo trong danh sách với 600.000 trẻ và 500.000 trẻ chưa được tiêm vaccine.
Báo cáo UNICEF nhấn mạnh các nước nghèo đang đối mặt với tình hình còn nghiêm trọng hơn thế. Năm 2017, gần 4 triệu trẻ em Nigeria dưới 1 tuổi bỏ lỡ mũi tiêm đầu. Tiếp theo trong danh sách là Ấn Độ (2,9 triệu em), Pakistan và Indonesia (đều là 1,2 triệu em) và Ethiopia (1,1 triệu em).
Tổng Giám đốc UNICEF Henrietta Fore nhấn mạnh sởi là căn bệnh có tính lây nhiễm cao, đồng thời hối thúc giới chức y tế nỗ lực đảm bảo mỗi trẻ em dù ở nước giàu hay nghèo đều được tiêm vaccine đầy đủ.