Số ca mắc tăng vọt
Bệnh sởi đang có dấu hiệu tăng cao đột biến tại Hà Nội. Theo thống kê của Sở Y tế thành phố, nếu trước đó số ca mắc sởi trung bình 70 - 80 ca/tuần, thì trong tuần gần đây nhất đã tăng vọt lên 123 ca/tuần. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận 928 ca mắc sởi, cao gấp hơn 15 lần so với cùng kỳ năm 2018, chưa có trường hợp tử vong. Các quận, huyện có số ca mắc sởi cao như: Hoàng Mai (123 ca), Thanh Xuân (67 ca), Hà Đông (57 ca), Đống Đa (48 ca)…
Đặc biệt, số ca mắc sởi tập trung ở các đối tượng chưa được tiêm phòng bệnh đầy đủ, có nguy cơ cao mắc bệnh. Cụ thể, có 25% số ca bệnh là trẻ em dưới 9 tháng tuổi và khoảng 30% trường hợp mắc là đối tượng trên 15 tuổi. Trong bối cảnh dịch sởi đang gia tăng chung trên cả nước, Hà Nội cũng dự báo số ca bệnh còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Theo phân tích dịch tễ bệnh nhân sởi năm 2019, bệnh sởi thường xảy ra vào mùa đông xuân, khi thời tiết nồm ẩm kéo dài. Tuy nhiên, năm nay, dù thời tiết đã sang mùa hè với đợt nắng nóng những ngày qua, nhưng số ca mắc sởi tăng và dự báo dịch bệnh sẽ còn tiếp tục tăng mạnh.
Đặc biệt, Việt Nam cũng nằm trong bối cảnh chung dịch sởi đang diễn biến bất thường trên thế giới; theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số trường hợp mắc sởi trong 3 tháng đầu năm 2019 trên thế giới đã tăng lên 300% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiêm chủng tạo “lá chắn” phòng bệnh
Cũng theo ông Hoàng Đức Hạnh, trước nguy cơ nhiều dịch bệnh có thể bùng phát trong mùa hè, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các đội chống dịch cơ động trên địa bàn thành phố tiếp tục củng cố và nâng cao khả năng phản ứng nhanh; tại các cơ sở y tế phải bảo đảm đầy đủ các trang thiết bị, vật tư, vắc xin, thuốc men cho công tác phòng chống dịch bệnh; tại các quận, huyện, thị xã cũng tăng cường việc giám sát, hướng dẫn việc triển khai thực hiện tiêm chủng mở rộng bảo đảm an toàn, hiệu quả…
Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị y tế tiếp tục tăng cường giáo dục sức khỏe cho cộng đồng về các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là tuyên truyền để người dân tích cực đưa con em đi tiêm chủng phòng bệnh.
Theo các chuyên gia, nếu trong cộng đồng đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 90 - 95% sẽ tạo lá chắn miễn dịch cộng đồng, khi có mầm bệnh xâm nhập, bệnh khó có thể lan rộng. Thậm chí, với số ít các trường hợp chưa được tiêm chủng cũng được những người đã có miễn dịch xung quanh bảo vệ, ít có khả năng mắc bệnh. Còn nếu không có nền tảng miễn dịch vững chắc thì nguy cơ dịch lan rộng lớn.
Trong bối cảnh gia tăng chung của cả nước, để chủ động phòng chống bệnh sởi, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động trong việc vệ sinh môi trường khử khuẩn, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, đồng thời đi tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng sởi đầy đủ, đúng lịch theo quy định. Cụ thể, người dân cần chủ động đưa trẻ từ 9 - 24 tháng tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi; hoặc trẻ từ 1 - 14 tuổi tiêm vắc xin Sởi –Rubella tại trạm y tế xã phường hoặc phòng tiêm chủng gần nhất.