Sau phẫu thuật thay khớp gối, bệnh nhân đã hết đau, đi lại dễ dàng hơn. |
Rất phấn khởi cho biết chiều 6/3 được ra viện, bệnh nhân Nguyễn Văn Đức, 54 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: “Cách đây khoảng 4 năm, tôi đã được mổ hoại tử khớp háng chân trái một lần. Nhưng gần 3 tháng trước, tôi lại bị đau vùng khớp gối. Do bị đau buốt nên tôi không thể đi bộ dài được, chỉ đi chừng được 5 - 7 m, người rất mệt… Bởi vậy, ngày 22/2, tôi mới đến khám tại Bệnh viện Xanh Pôn”.
Sau khi được thăm khám, chụp cộng hưởng từ khớp gối, ông Đức phát hoảng khi các sĩ cho biết tiếp tục phát hiện có ổ hoại tử lớn ở vùng lồi cầu trong ở khớp xương đùi bên phải. Đây là tình trạng tiêu xương dưới sụn, có thể dẫn đến thoái hoá khớp gối nặng, dễ dẫn đến tàn phế nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
Như trường hợp của bệnh nhân Đức đã ở giai đoạn muộn, tức giai đoạn thứ 4 của bệnh, nên các bác sĩ buộc phải phẫu thuật thay toàn bộ khớp gối vào ngày 24/2. Ca phẫu thuật kéo dài 90 phút với sự phối hợp chặt chẽ của cả ê kíp từ gây mê, kỹ thuật mổ, điều kiện vô trùng… Đến nay, bệnh nhân đã hết đau nhức, dù chân còn bị băng nhưng đi lại tương đối tốt.
Theo PGS.TS Trần Trung Dũng, Trưởng khoa Chấn Thương Chỉnh Hình, Bệnh viện Đa Khoa Xanh Pôn, bệnh lý hoại tử khớp háng ở Việt Nam không hiếm gặp nhưng hoại tử khớp gối là một bệnh lý hiếm gặp, với tỷ lệ khoảng 3,4% bệnh nhân trên 50 tuổi và 9,4% bệnh nhân trên 60 tuổi. Đặc biệt, lại càng hiếm gặp trên bệnh nhân vừa hoại tử khớp gối vừa phải thay khớp háng như bệnh nhân Đức.
Đáng nói, bệnh lý này rất dễ nhầm với nhiều các bệnh lý khác của khớp gối như: Thoái hóa khớp, rách sụn trên, viêm khớp… Nếu bác sĩ chỉ cho chụp Xquang thường và kê thuốc uống đơn thuần thì sẽ khó phát hiện được tình trạng hoại tử (sụn gối bị “ăn mòn”), bệnh sẽ tiến triển ngày một nặng hơn, người bệnh sẽ đối diện với nguy cơ tàn phế.
Theo Ths Nguyễn Huy Phương, bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Văn Đức, bệnh lý trên diễn ra do thiểu dưỡng máu nuôi dưỡng ở vùng khớp gối hoặc mật độ chất khoáng của xương giảm. Do đó, bệnh thường gặp ở những người lớn, từ 40 - 50 tuổi.
Để phòng tránh nguy cơ tàn phế do mắc bệnh hoại tử vô mạch lồi cầu đùi, các chuyên gia chấn thương chỉnh hình khuyến cáo người dân cần đến viện ngay khi có các triêu chứng: Đau khớp gối, đau tăng khi đứng lên hoặc đau hơn lúc về đêm và sáng…
Nếu phát hiện được ở giai đoạn sớm, giai đoạn 2 - 3, bệnh nhân sẽ không cần phải phẫu thuật, chỉ cần dùng thuốc, hoặc phẫu thuật khoan giảm áp. Khi đó, quá trình điều trị và viện phí sẽ giảm hơn nhiều so với việc phẫu thuật thay khớp gối.