Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tính đến ngày 4/7 toàn tỉnh ghi nhận hơn 5.100 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 247% so với cùng kỳ năm 2018 (gần 1.500 ca). Trong đó, hơn 2.900 ca là trẻ em dưới 15 tuổi (chiếm 56%), gần 2.300 ca là bệnh nhân trên 15 tuổi (chiếm 44%). Chỉ tính riêng tuần 27 (từ ngày 28/6 đến ngày 4/7), toàn tỉnh ghi nhận 525 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 79,5% so với tuần trước (293 ca) và tăng 314% so với cùng kỳ 2018 là 127 ca.
Ngành y tế Đồng Nai đã phát hiện hơn 1.000 ổ dịch, tăng 316% so với cùng kỳ năm 2018 (325 ổ dịch), xử lý 1.003 ổ dịch, đạt 97,7%. Trong đó, thành phố Biên Hòa đứng đầu cả tỉnh về số ca mắc sốt xuất huyết, kế đến là huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch và Long Thành. Bốn địa phương này đều có đặc điểm chung là có nhiều khu công nghiệp, đông công nhân lao động sinh sống và làm việc.
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, tại hai khoa truyền nhiễm của Bệnh viện đều chật kín bệnh nhân sốt xuất huyết. Bác sĩ Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa, cho biết: Bệnh sốt xuất huyết năm nay đến sớm hơn mọi năm, thông thường tháng 9 - 10 mới là đỉnh của dịch bệnh, sớm lắm cũng tháng 8. Tuy nhiên, năm nay mới cuối tháng 6 số ca mắc bệnh đã tăng gấp 3 lần so với những năm trước. Do đó, chúng tôi dự đoán đỉnh dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay đến sớm hơn mọi năm.
Nguyên nhân của tình trạng này là do trong những năm trước đỉnh dịch bệnh rơi vào tháng 9, tháng 10 và sẽ giảm dần vào tháng 2 năm sau, song vào năm 2018 tháng cao điểm của dịch bệnh lại chuyển về cuối năm nên trong tháng 2/2019 bệnh sốt xuất huyết vẫn ở mức cao, dẫn đến việc số ca của năm tháng đầu năm được cộng dồn, tạo thành đỉnh.
Khoa Nhiễm của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chỉ có 50 giường nhưng mỗi ngày có 60 - 70 bệnh nhân điều trị nội trú. Mỗi ngày Khoa tiếp nhận thêm 20 - 30 ca mắc sốt xuất huyết mới, 2/3 trong đó đã biến chứng nặng, vào viện trong giai đoạn bị sốc, không bắt được mạch, không đo được huyết áp.
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, ngành y tế Đồng Nai đã tiến hành chiến dịch diệt lăng quăng tại 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh, triển khai tuyên truyền đến người dân, mở các chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất, điều tra giám sát dịch bệnh, dập ổ dịch ngay khi phát hiện… Các bác sĩ khuyến cáo người dân khi có những triệu chứng như sốt, nhức mỏi, chảy máu chân răng, mũi thì phải đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám, điều trị. Người dân không được tự mua thuốc điều trị tại nhà bởi để đến khi bệnh trở nặng, biến chứng mới nhập viện thì rất khó khăn trong quá trình điều trị và để lại nhiều di chứng.