Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Long, Quyền Cục trưởng Cục Thú y cho biết, hiện nay các địa phương tỷ lệ tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, mèo còn thấp dưới 50% so với tổng đàn gần 7 triệu con. Bên cạnh việc các địa phương chưa quản lý tốt chi tiết tổng đàn chó mèo tại cấp xã, cấp huyện. Vấn đề nhận thức của chủ nuôi chưa thực sự cao dẫn đến việc tổ chức tiêm phòng cho đàn chó, mèo còn thấp.
Theo ông Nguyễn Văn Long, các địa phương trong thời gian tới, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại; tập trung mọi nguồn lực để quản lý, tiêm vaccine phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo và có kế hoạch bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại. Khi có sự cố không may người bị chó, mèo mắc bệnh dại cắn, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y chủ động phối hợp với cơ quan y tế, các cơ quan liên quan tổ chức điều tra, xác minh, xác định nguyên nhân ổ dịch và thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh theo quy định.
Quyền Cục trưởng Cục Thú y cam kết sẽ luôn đồng hành để triển khai có hiệu quả chương trình phối hợp, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế với Việt Nam, chung tay cùng khu vực và thế giới, phấn đấu đến năm 2030 không có người chết vì bệnh dại.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến các tỉnh, thành trong cả nước kiểm soát tốt bệnh dại cũng được chia sẻ để nhân rộng đến các địa phương khác trong khu vực.
Ông Lê Việt Bảo, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y TP Hồ Chí Minh chia sẻ, tổng đàn chó hơn 178 nghìn con với hơn 102 nghìn hộ nuôi, cũng là địa phương có dân cư đông đúc nhưng thời gian qua TP Hồ Chí Minh triển khai nhiều biện pháp để duy trình thành công là vùng an toàn bệnh động vật đối với bệnh dại.
Trong số đó, TP Hồ Chí Minh triển khai 100% xã,phường lập danh sách hộ nuôi chó mèo và tỷ lệ tiêm phòng vaccine đạt hơn 90%. Bên cạnh đó, tuyên truyền người dân về phòng chống bệnh dại, tiêm phòng vaccine dại, không thả rong chó, mèo. Đặc biệt, tổ chức xử lý các hành vi vi phạm như không xích giữ chó đeo rọ mõm khi đưa chó ra nơi công cộng…
Theo ông Lê Việt Bảo, việc quản lý tốt đàn chó, mèo từ cơ sở sẽ mang lại hiệu quả rất lớn trong phòng chống bệnh dại và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.
Ngoài ra, các đại biểu báo cáo tình hình và công tác phòng, chống bệnh dại trên động vật; Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương báo cáo tình hình và phòng, chống bệnh dại trên người; các giải pháp huy động kinh phí và tiếp cận vaccine ở tuyến cơ sở.
Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự hội nghị tập trung và dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm triển khai điểm tiêm chủng phòng bệnh dại cho người ở tuyến cơ sở; kinh nghiệm xây dựng vùng an toàn bệnh dại; phòng, chống bệnh dại trên động vật và người tại một số địa phương; giải pháp tăng tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, giảm số ca tử vong; các biện pháp chính trong triển khai Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại trong thời gian tới...
Theo Cục Thú y, từ năm 2010 đến nay , bệnh dại đã làm 1.066 người tử vong và hơn 5,5 triệu người buộc phải điều trị dự phòng phơi nhiễm gây tổn thất trên 15 nghìn tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2022, cả nước ghi nhận 43 ca tử vong do bệnh dại tại 17 tỉnh, thành phố.
Riêng tại Bến Tre, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến ngày 14/9/2022, toàn tỉnh ghi nhận 11 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 7/9 huyện, thành phố. Tổng số mẫu bệnh phẩm dương tính với virus dại trên động vật là 8/8 mẫu bệnh phẩm (thành phố Bến Tre 3 mẫu, Chợ Lách 2 mẫu, Mỏ Cày Nam 2 mẫu và Châu Thành 1 mẫu). Trong 8 tháng năm 2022, số người phơi nhiễm với virus dại trên địa bàn tỉnh là 11.235 người.