Nhà khoa học Mimi Tang (trái). Ảnh: SMH |
Thông qua nhiều cuộc thử nghiệm lâm sàng do các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Trẻ em Murdoch ở Melbourne tiến hành, khoảng 60 trẻ nhỏ dị ứng đậu phộng đã được tiếp nhận một dạng lợi khuẩn cùng nhiều liều thuốc nhỏ chứa protein có trong đậu phộng trong vòng 18 tháng.
Kết thúc quá trình thử nghiệm vào năm 2013, khoảng 80% trẻ em trong diện này đã không bị kích ứng với đậu phộng. Trong vòng 4 năm sau đó, khoảng 70% trẻ vẫn có thể ăn loại hạt này mà không bị dị ứng.
Chủ nhiệm công trình nghiên cứu, nhà khoa học Mimi Tang cho biết phát hiện mới nói trên đóng vai trò quan trọng, giúp các trẻ nhỏ có tiền sử dị ứng đậu phộng vẫn có thể ăn loại ngũ cốc này như những trẻ bình thường, cũng như giúp các bé duy trì khả năng dung nạp đậu phộng và ngăn chặn các phản ứng phụ tiêu cực đối với món ăn này.
Nhà khoa học Mimi Tang nhấn mạnh công trình nghiên cứu cho thấy phương pháp điều trị trên phát huy hiệu quả trong việc duy trì khả năng kháng dị ứng lâu dài và dựa trên những bằng chứng có sức thuyết phục nhất thu được từ những người tham gia thử nghiệm 4 năm sau khi quá trình này kết thúc, có thể nói phương pháp điều trị này "an toàn".
Đây là một bước tiến lớn hứa hẹn triển vọng trong việc tìm ra một phương pháp điều trị hiệu quả nhằm giải quyết vấn đề dị ứng thực phẩm nói chung trong xã hội phương Tây.
Hiện cứ 1 trên 20 trẻ nhỏ và 1 trên 50 người trưởng thành bị dị ứng thực phẩm, trong đó có hải sản, sữa bò, trứng gia cầm và đậu phộng. Đậu phộng là một trong số thực phẩm phổ biến nhất gây chứng sốc mẫn cảm anaphylaxis, khiến huyết áp giảm, ngứa, sưng và khó thở, thậm chí có nguy cơ gây tử vong.