Sau gần 1 tháng làm việc miệt mài của nhóm nghiên cứu, máy oxy dòng cao BKVN-HF1 vượt qua vòng kiểm định gắt gao của Bộ Y tế để được đưa vào sử dụng.
Theo Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, máy oxy dòng cao (HFNC-High Flow Nasal Cannula) được nghiên cứu sản xuất từ nhu cầu trong điều trị COVID-19 tại các cơ sở y tế và sự quan tâm về trang thiết bị y tế của các bộ ngành, Chính phủ.
Máy có chức năng cung cấp liên tục khí thở lưu lượng cao (lên tới 60 lần/phút) với nồng độ oxy điều chỉnh được (từ oxy không khí đến nguyên chất).
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã tập hợp các chuyên gia khoa học công nghệ và đội ngũ chuyên gia từ VMED Group phối hợp tiến hành nghiên cứu sản xuất máy oxy dòng cao ký hiệu BKVM-HF1.
Máy được đo lường tại phòng thử nghiệm của VMED Group, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở bởi Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, giám định kỹ thuật từ Vinacontrol, thử nghiệm tại Trung tâm cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, và được Bộ Y tế quyết định lưu hành vào giữa tháng 6/2021.
PGS TS Nguyễn Văn Chi, Phụ trách Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Theo các báo cáo nghiên cứu lâm sàng, nếu được sử dụng máy oxy dòng cao này, 60 - 70 % bệnh nhân bị mắc COVID-19 sẽ được hồi phục, không bị nặng thêm và không phải sử dụng máy thở. Máy oxy dòng cao là thiết bị cần thiết để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân viêm phổi, suy hô hấp giai đoạn đầu do COVID-19”.
Lý giải rõ hơn về hiệu quả của máy oxy dòng cao này, PGS TS Vũ Duy Hải, Giám đốc Trung tâm Điện tử Y Sinh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Trong phác đồ điều trị của bệnh nhân COVID-19 của Việt Nam cũng như thế giới, máy oxy dòng cao được chỉ định ở giai đoạn 2 khi bệnh nhân có dấu hiệu bị nhiễm COVID-19, ảnh hưởng tới phổi. Nghĩa là bệnh nhân vẫn còn thở, được chẩn đoán là nhiễm COVID-19 và có biểu hiện suy hô hấp. Liệu pháp oxy dòng cao là đưa những dòng khí oxy có thể điều chỉnh được về nồng độ oxy. Trong đó, mức điều chỉnh tốc độ lên tới 60 lần/phút. Với liệu pháp này, trong các phác đồ điều trị cho bệnh nhân đã được khẳng định lâm sàng từ 60 - 70% bệnh nhân nhiễm COVID-19 khỏi, phục hồi, có thể xuất viện. Còn lại khoảng 20% - 30% nếu dùng liệu pháp này không khôi phục lại được mới chỉ định sang dùng máy thở. Đây chính là hiệu quả lớn của máy này”.
Theo PGS TS Vũ Duy Hải, chính những hiệu quả của máy này và những bệnh nhân ở giai đoạn 2 rất đông nên số lượng máy trên thế giới sản xuất không đủ cung cấp cho các nước. Việt Nam mua máy này về dùng là rất khó. Trước thực tế này, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp với VMED Group, dưới sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, trong vòng 2 tuần nhóm triển khai nghiên cứu được dòng sản phẩm này. Chỉ 1 tuần sau quá trình thử nghiệm, sản phẩm được được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Sở dĩ tiến độ có thể nhanh như vậy bởi những thành công của Trường trong việc đưa máy thở BKAV năm 2020 vào quá trình chữa trị bệnh nhân COVID-19.
Tại buổi công bố, đại diện Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT đánh giá cao sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp tiến tới sản phẩm phục vụ lợi ích cộng đồng. Theo đại diện Bộ GD&ĐT, tháng 9/2021, Chính phủ sẽ thông qua Nghị định Khoa học công nghệ hoạt động tại Việt Nam. Một trong những điểm đột phá của Nghị định này chính là mô hình doanh nghiệp ở trường đại học. Những công trình như thế này sẽ là mô hình đầu tiên hiện thực hoá Nghị định mà Chính phủ sẽ ban hành năm 2022.
Hiện tại nhóm nghiên cứu của 2 bên đang tiếp tục hoàn thiện máy làm giàu oxy từ không khí để tích hợp thêm vào hệ thống và nâng cấp tính năng cao cho các máy BKVM được sản xuất tiếp theo. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long mong muốn Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và VMED Group tiếp tục nghiên cứu sản xuất quy mô lớn, hoàn thiện sản xuất hệ thống tích hợp làm giàu oxy không khí di động và đặc biệt là thiết bị xét nghiệm sàng lọc nhanh các biến thể virus SARS-CoV-2.
Trước đó, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã có nhiều nghiên cứu ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19 như Kit thử nhanh virus, cáng cách ly áp lực âm, buồng áp lực dương, mũ thở khí tươi, buồng khử khuẩn toàn thân di động, máy thở...