Bài 1: Hệ lụy khó lường
Tỷ số giới tính khi sinh (SRB) phản ánh sự cân bằng giới tính của số bé trai và bé gái khi được sinh ra. Tỷ số này ở mức sinh học thông thường là 104-106 bé trai/100 bé gái. Bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào của tỷ số giới tính khi sinh chệch khỏi mức sinh học bình thường đều phản ánh những can thiệp có chủ đích. Nếu không được khắc phục, sự mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ để lại những hệ lụy khó lường, làm ảnh hưởng đến sự mất cân bằng tự nhiên, đe dọa sự ổn định dân số và phát triển bền vững của một quốc gia.
Chênh lệch ở mức báo động
Vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh thực sự trở thành thách thức với công tác dân số từ năm 2006 khi tỷ số giới tính khi sinh tăng lên 109,8 bé trái/100 bé gái. Tỷ số này có sự tăng giảm qua các năm và hiện ở mức 112/100 vào năm 2021. Việt Nam hiện là nước có tỷ số giới tính khi sinh cao thứ 3 châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam tuy xuất hiện muộn hơn một số nước nhưng tăng nhanh và lan rộng, xảy ra ở cả thành thị và nông thôn. Xét ở phạm vi vùng kinh tế - xã hội, năm 2006 có 3/6 vùng mất cân bằng giới tính khi sinh thì đến năm 2021 cả 6/6 vùng đã bị mất cân bằng giới tính khi sinh ở cả thành thị và nông thôn.
Ông Phạm Vũ Hoàng dẫn chứng, năm 2020, Tây Nguyên chưa bị mất cân bằng giới tính khi sinh, tỷ số giới tính khi sinh vẫn ở mức cân bằng (106/100), nhưng đến năm 2021 đã tăng lên mức 108/100, cũng bị mất cân bằng.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đặc biệt cao ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc (114,1) tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng (110,6). Đặc biệt có 6 tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh rất cao trên 120 bé trai/100 bé gái như: Bắc Giang (126,8/100), Hà Nam (125,3/100), Hưng Yên (123,6/100), Sơn La (121,8/100), Hòa Bình (121,8/100), Bà Rịa - Vũng Tàu (121,1/100).
Đặc biệt, Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới có sự chênh lệch giới tính khi sinh ngay từ đứa con đầu tiên (110/100), tức là các cặp vợ chồng đã nghĩ đến lựa chọn giới tính khi sinh ngay ở lần sinh đầu.
Bên cạnh đó, mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh cao hơn nhiều ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao, tình hình kinh tế khá giả. Năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh trong nhóm nghèo nhất là 108,2 so với 112,9 ở nhóm giàu nhất. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy tỷ số giới tính khi sinh cao hơn ở một số nhóm dân tộc thiểu số so với các dân tộc khác.
Định kiến giới - Nguyên nhân gốc rễ
Theo ông Phạm Vũ Hoàng có nhiều nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam, nhưng nguyên nhân gốc rễ, cốt lõi vẫn là định kiến giới. Tư tưởng trọng nam khinh nữ đã “ăn sâu, bám rễ” vào tiềm thức của mỗi cá nhân và trở thành quan niệm truyền thống của người Việt Nam. Quan niệm thiên lệch về giới này đã được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác, gây ảnh hưởng tiêu cực đến vị trí, vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình, cộng đồng và xã hội.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng này là việc tiếp cận kỹ thuật mới để lựa chọn giới tính gia tăng mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Hầu hết người dân đều có thể tiếp cận dịch vụ siêu âm, phá thai với mục đích lựa chọn giới tính. Mặc dù Chính phủ đã tăng cường khung pháp lý để giải quyết sự gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh (đã có các quy định cấm xác định giới tính thai nhi và tất cả các hình thức lựa chọn giới tính nhằm đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức sinh học bình thường vào năm 2025), nhưng các ông bố, bà mẹ vẫn dễ dàng có được thông tin về giới tính thai nhi.
Bên cạnh các nguyên nhân kể trên, hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi của nước ta chưa phát triển. Ở các khu vực nông thôn, nhiều người già không có lương hưu, hay trợ cấp xã hội, trong khi họ cần sự chăm sóc về y tế. Tất cả phụ thuộc vào khả năng phụng dưỡng của con cái mà theo quan niệm của gia đình truyền thống, trách nhiệm đó chủ yếu thuộc về con trai. Nhiều người vì thế sẽ cảm thấy lo lắng cho tương lai và bất an khi về già nếu không có con trai.
Ở nhiều vùng nông thôn, các công việc nặng nhọc đều đòi hỏi sức lao động chân tay của nam giới. Vì vậy, con trai vừa là trụ cột về tinh thần, vừa là trụ cột về kinh tế cho cả gia đình. Những chuẩn mực xã hội mới như gia đình qui mô nhỏ, mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con cũng là động lực khiến các cặp vợ chồng tìm kiếm và sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi.
Hệ lụy nhiều mặt
Theo ông Phạm Vũ Hoàng, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng đến cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội và các chuẩn mực xã hội của tất cả các quốc gia gặp tình trạng này.
Một trong những hệ lụy trước mắt, có thể dễ dàng nhìn thấy được mà các nhà nhân khẩu học gọi là "sức ép hôn nhân" là thiếu hụt nữ giới. Dự báo, nếu tỷ số giới tính khi sinh hiện tại không thay đổi thì đến năm 2034 Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15-49 và con số này vào năm 2059 sẽ tăng lên thành 2,5 triệu. Điều này khiến cho nhiều nam giới khó có khả năng lấy vợ; đặc biệt là ở nhóm nam giới có nền tảng kinh tế - xã hội thấp. Tình trạng này sẽ dẫn tới cấu trúc gia đình bị phá vỡ; người già neo đơn, không nơi nương tựa sẽ gia tăng… Nguy cơ thiếu nhân lực trong một số ngành, nghề vốn thích hợp với phụ nữ như giáo viên, y tá, may mặc…
Việc gia tăng tỷ số giới tính khi sinh còn làm gia tăng sự bất bình đẳng giới, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tình trạng bạo hành, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, mại dâm... Để có được con trai, nhiều phụ nữ phải phá thai nhiều lần, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Mỗi lần sinh đẻ có thể gây ra những rủi ro khó lường đối với sức khỏe của cả mẹ và con. Phá thai và cố đẻ để có con trai đều ảnh hưởng đến kinh tế gia đình do phải tăng thêm chi phí để chăm sóc sức khỏe cho người phụ nữ, giảm thu nhập của các thành viên trong gia đình.
Các cá nhân và đặc biệt là người phụ nữ có thể phải chịu áp lực, kỳ thị, phân biệt đối xử, thậm chí bạo lực do sự ưa thích con trai. Giá trị, vị thế của người phụ nữ không có con trai bị giảm thấp và thậm trí buộc phải ly hôn vì không có con trai…
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình Phạm Vũ Hoàng nhấn mạnh, nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam tiếp tục gia tăng và không được kiểm soát sẽ để lại những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của đất nước, thậm chí cả an ninh chính trị quốc gia...
Bài 2: Cần bền bỉ và đồng bộ